Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-23/5.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bộ. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chuyến thăm chính thức hai ngày với hai điểm đến là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Slovenia.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Thủ tướng Slovenia đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1994, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, là lần thứ hai kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Bộ trưởng Ngoại giao bạn. Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Tanja Fajon đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Slovenia tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều dư địa hợp tác
Trong không khí cởi mở, tin cậy của các cuộc tiếp xúc cấp cao, hai bên đều thể hiện sự coi trọng quan hệ đối tác, bạn bè truyền thống Việt Nam-Slovenia. Slovenia muốn thúc đẩy thực chất hơn nữa quan hệ với Việt Nam và Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Slovenia.
Lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon đặc biệt ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội tích cực của Việt Nam trong thời gian qua; đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí rằng trong gần 30 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Slovenia đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại… Tuy vậy, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương.
Trên tinh thần đó, Việt Nam và Slovenia thống nhất các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng trong giai đoạn tới. Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trong năm 2024 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU.
Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon hội đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trọng tâm kinh tế
Có thể khẳng định mục tiêu kinh tế là trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon. Tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon còn có một đoàn doanh nghiệp và hoạt động chính đầu tiên của bà Tanja Fajon là đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Slovenia tại TP. Hồ Chí Minh. Bà nhiều lần nhấn mạnh Slovenia có nền kinh tế mở và muốn mở rộng thị trường khu vực Đông Nam Á.
Tiếp sau đó, trong các cuộc trao đổi cấp cao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động ở Đông Nam Á và là một trong những thị trường tiềm năng của Slovenia tại khu vực; bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, cảng biển, logistics…
Đặc biệt, bà khẳng định Slovenia sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam; phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt khóa họp lần thứ ba Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế trong tháng 10/2023 tại Slovenia.
Về phần mình, Việt Nam nhấn mạnh việc hai bên cần phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại; khuyến khích Slovenia tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Slovenia có thế mạnh.
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt mức kỷ lục trên 570 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021.
Lý giải về quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế từ phía Slovenia, Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên cho rằng, Slovenia hiện rất đề cao hợp tác kinh tế trong bối cảnh châu Âu đang gặp nhiều khó khăn như đoàn kết nội khối, xung đột Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19. Do đó, Slovenia hay các nước châu Âu khác đang tìm kiếm thị trường mới và hướng sang châu Á-Thái Bình Dương. Họ thấy Việt Nam là một thị trường rất có tiềm năng.
Phía Slovenia đang hoàn tất và sẽ sớm có văn phòng của Lãnh sự danh dự tại TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, Việt Nam thực hiện các quy trình cần thiết để bổ nhiệm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Slovenia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai nước. |
Nỗ lực tạo bước tiến
Năm sau, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nhận định 30 năm chưa phải là quãng thời gian dài nhưng trong suốt hành trình đó, quan hệ Việt Nam-Slovenia đã phát triển rất tích cực trên nhiều phương diện.
Bản thân Slovenia giành độc lập từ năm 1994 nên cũng là một quốc gia non trẻ. Từ đó đến nay, Slovenia vươn lên rất mạnh mẽ và từng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU). Slovenia đang vận động mạnh mẽ để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong các tổ chức quốc tế, Slovenia thể hiện vị thế rất vững vàng và tích cực.
Theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, các dấu mốc quan hệ chỉ có ý nghĩa khi quan hệ song phương có những bước tiến thực chất. Hiện nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với nhau để kết nối giao lưu doanh nghiệp hai nước, khai thác lợi thế hợp tác song phương.
“Điều tôi mong muốn hơn nữa là kim ngạch thương mại song phương tăng, mở thêm đường bay, kho cảng, tăng số lượng các doanh nghiệp đầu tư… những bước tiến thực chất của quan hệ”, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Việc kết nối tuyến lưu thông giữa cảng Koper-cảng nước sâu rất có tiềm năng của Slovenia và TP. Hồ Chí Minh là điều Đại sứ rất mong mỏi trong thời gian tới. Nếu đi qua cảng Koper, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Âu và Tây Âu có thể giảm khoảng bảy ngày so với đi vòng qua các cảng khác như Hamburg và Rotterdam. Vì vậy, thúc đẩy kết nối lưu thông cảng sẽ góp phần thúc đẩy thành quả thực chất hơn trong hợp tác hai nước.