Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhiều dự án luật được các đại biểu Quốc hội đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo hoàn thiện các chính sách và phù hợp với thực tiễn.
Cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ý kiến của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật để thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024 đồng thời thống nhất với đại biểu Quốc hội điều chỉnh thời gian trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng soạn thảo dự án luật.
Thảo luận tại hội trường, đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho hay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thái Thị An Chung, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính. Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị, báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải nhanh chóng xây dự luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
Nhấn mạnh Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng là một bước tiến rất dũng cảm và rất văn minh, Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng hồ sơ dự án luật có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, ông Huân cũng tỏ ra băn khoăn về việc thu gọn phạm vi điều chỉnh so với lần đầu trình đề nghị xây dựng luật, theo đó dự án luật chỉ tập trung vào 2 đối tượng là nam và nữ và chỉ tập trung vào vấn đề chuyển đổi giới tính, trong khi thực tế có một số đối tượng trong cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (LGBT) chưa được quan tâm như song giới, đồng giới.
Bày tỏ sự cảm ơn những ý kiến đóng góp rất hay, rất cần thiết, trong đó chứa đựng cả trách nhiệm, tình cảm và sự đồng tình rất cao của đại biểu Quốc hội về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thông tin, đến thời điểm này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức của các cơ quan đồng thời mong muốn quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu soạn thảo luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị bổ sung thêm nhiều Luật vào chương trình Quốc hội
Quan tâm tới Luật Thương mại năm 2005, Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay đang được điều chỉnh bởi 3 Nghị định. Luật Thương mại đã được xây dựng cách đây gần 20 năm, đến nay có nhiều mâu thuẫn, lạc hậu so với Bộ luật Dân sự 2015, không đáp ứng kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
Do đó, Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại để đồng bộ với Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhìn nhận từ năm 2005 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định và công ước quốc tế, công nghệ số, thương mại số phát triển mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển không ngừng nên Luật Thương mại 2005 đã lạc hậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung Luật Thương mại vào Chương trình xây dựng Luật, pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bên cạnh đó, Đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, vào Đề án định hướng khóa XV là Luật Đô thị đặc biệt.
Nhấn mạnh Luật Đô thị đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, vì vậy, đại biểu cho rằng đã đến lúc chúng ta xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực mà đến nay, chúng ta chỉ làm những nghị quyết riêng biệt, có tính chất thí điểm với các dạng thí điểm khác nhau.
“Vì vậy, việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt là cần thiết, và cần có định hướng trung hạn và dài hạn,” ông Nghĩa quả quyết.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.
Theo bà Chung, hiện nay học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là vấn đề đáng báo động. Thuốc lá điện tử được mua bán một cách dễ dàng, đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc hô hấp, thậm chí suýt tử vong khi hút thuốc lá điện tử.
“Mặc dù Luật phòng chống tác hại thuốc lá 2012 nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; người bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học, bệnh viện… Tuy nhiên, cơ quan chức năng không đủ hành lang pháp lý xử lý bởi Nghị định số 77/2013/NĐ-CP chỉ được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống; Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm,” vị Đại biểu này nói./.
Nhóm PV/vietnamplus.vn