Nồng độ vàng trong nước biển rất thấp, nhưng khi cộng dồn lại, tổng số vàng ở đại dương lên tới khoảng 20 triệu tấn.
Các nhà khoa học ước tính, có khoảng một gram vàng hòa tan trong mỗi 100 triệu tấn nước biển ở Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương. Ở một số nơi khác trên thế giới, ví dụ Biển Địa Trung Hải, nồng độ vàng có thể cao hơn một chút, IFL Science hôm 24/5 đưa tin.
Dù rất loãng, nhưng theo một ước tính cũ của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), có tổng cộng khoảng 20 triệu tấn vàng trong nước biển trên Trái Đất.
Việc xác định giá trị cụ thể của khối lượng lớn như vậy rất khó, hơn nữa, giá vàng cũng thay đổi liên tục. Tuy nhiên, theo một ước tính vào giữa tháng 5/2023, một tấn vàng có thể trị giá hơn 57.000.000 USD. Với mức này, vàng trong các vùng biển trên thế giới sẽ trị giá hơn 1,14 triệu tỷ USD.
Con số trên nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng việc khai thác không hề đơn giản. Vàng cực kỳ loãng trong đại dương rộng lớn. Do đó, một bể bơi Olympic cũng chỉ chứa một lượng vàng ít ỏi.
Hiện tại, không có cách nào hiệu quả về chi phí để khai thác vàng từ đại dương và kiếm lợi. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature năm 1941 trình bày một “phương pháp điện hóa” nhằm chiết xuất vàng từ nước biển. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình này lại đắt gấp 5 lần giá trị của số vàng thu được.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Journal of the American Chemical Society năm 2018 mô tả một vật liệu có thể hoạt động như bọt biển, giúp nhanh chóng chiết xuất một lượng vàng nhỏ từ nước biển, nước ngọt, thậm chí từ bùn thải.
Phương pháp này được cho là có thể hút 934 milligram vàng chất lượng tốt chỉ trong hai phút. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đến mức đủ để mang lại lợi nhuận vẫn cực kỳ khó. Hiện tại, công nghệ này chỉ được phát triển như một biện pháp để thu hồi lượng nhỏ vàng bị mất trong quá trình sản xuất.
Một khía cạnh khác cần quan tâm là tác động tiềm ẩn đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Giới chuyên gia chưa rõ chính xác việc khai thác vàng từ biển quy mô lớn sẽ như thế nào, nhưng nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường biển. Việc khai thác kim loại hiếm dưới đáy biển sâu đã được triển khai và có khả năng gây hại nghiêm trọng.
Thu Thảo (Theo IFL Science)