Sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Nhà Trắng, ông McCarthy cho biết các cuộc đàm phán đã được cải thiện và sẽ tiếp tục vào buổi tối. Ông dự đoán hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, mặc dù một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Ông McCarthy nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ… Vì vậy, điều đó rất tích cực. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta đạt được thỏa thuận phù hợp. Tôi có thể thấy rằng chúng ta đang nỗ lực hướng tới điều đó”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các cuộc đàm phán có kết quả. “Nếu nó tiếp tục diễn ra một cách thiện chí, chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận ở đây”, bà nói trong một cuộc họp ngắn trong khi các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra.
Nhưng Nhà Trắng và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cũng cáo buộc Đảng Cộng hòa bắt nền kinh tế làm con tin. Họ nói rằng Đảng Cộng hòa cần nhượng bộ nhiều hơn vì họ sẽ cần lá phiếu của Đảng Dân chủ để thông qua bất kỳ thỏa thuận nào.
Thời gian không còn nhiều, vì Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo chính quyền liên bang nước này có thể không thể thanh toán được tất cả các hóa đơn của mình ngay sau ngày 1 tháng 6 tới – chỉ còn 8 ngày nữa – và sẽ mất vài ngày để thông qua luật ở Quốc hội Mỹ vốn đang bị chia rẽ chặt chẽ.
Ông McCarthy đã nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không được tăng thuế và phải cắt giảm một số chi tiêu của Chính phủ Mỹ (khoảng 8%), chứ không phải giữ nguyên như ông Biden đã đề xuất.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s có thể sẽ thay đổi đánh giá về nợ của Mỹ nếu các nhà lập pháp cho thấy khả năng xảy ra vỡ nợ. Moody’s hiện xếp hạng cao nhất ở mức “Aaa” đối với nợ của Mỹ, trong khi cơ quan xếp hạng đối thủ S&P Global đã hạ xếp hạng của họ sau cuộc tranh cãi về trần nợ năm 2011. Xếp hạng thấp hơn có thể đẩy chi phí đi vay lên cao.
Bế tắc kéo dài nhiều tháng đã khiến Phố Wall hoảng sợ, đè nặng lên chứng khoán Mỹ và đẩy chi phí vay nợ của quốc gia này lên cao hơn. Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Tư do lo ngại về trần nợ.
Các nhà kinh tế cho rằng vụ vỡ nợ nếu xảy ra sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ở Phố Wall và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, cũng như ảnh hưởng đến những người Mỹ bình thường. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế công có thể là một trong những người đầu tiên cảm nhận được sức nóng.
Huy Hoàng (theo Reuters)