Thời điểm này, cây mắc-ca đang ra hoa, quả và phát triển lá, cành, nông dân xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) chú trọng làm cỏ, vun xới và bón phân. Đây là thời điểm quan trọng để cây mắc-ca mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đi dưới tiết trời nắng nóng của một ngày đầu mùa hè, chúng tôi có dịp đến thăm diện tích cây mắc-ca của gia đình ông Thùng Văn Có ở bản Na Đông (xã Thèn Sin). 100 cây mắc-ca trồng từ năm 2011 của gia đình ông hiện đang ra những chùm hoa dài hơn 20cm. Gia đình ông tích cực làm cỏ, vun xới, kiểm tra, phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh cho cây mắc-ca. Ngoài ra, gia đình ông cũng tập trung bón phân chuồng cho 0,3ha mắc-ca mới trồng năm 2022, giúp cho cây phát triển lá, cành. Ông Có cho hay, cây mắc-ca được chăm sóc theo từng giai đoạn, như: phát triển lá, tạo tán, ra hoa và kết quả. Khi cây mắc-ca còn nhỏ thì bón phân chuồng, giúp hồi xanh; lúc ra hoa, quả lại bón phân NPK, làm cỏ, quét vôi gốc, phòng tránh sâu, bệnh. Sau khi thu hoạch quả, tiếp tục bón phân chuồng cho cây mắc-ca phát triển. Nhờ tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, năm 2022, gia đình ông thu hoạch trên 1 tấn quả mắc-ca, trừ chi phí cho thu lãi trên 50 triệu đồng.
Bản Thèn Sin 1 có trên 20ha cây mắc-ca; trong đó gần 5ha đang trong giai đoạn ra hoa, quả. Theo người dân ở bản Thèn Sin 1 thì những ngày này, bà con chủ động làm cỏ, bón phân, tưới nước và chằng chống cho cây mắc-ca không bị gãy, đổ trong mùa mưa, gió. Qua việc trồng, chăm sóc, người dân nhận thấy mắc-ca là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh. 3 năm đầu cây mắc-ca chưa khép tán, bà con có thể trồng xen canh (ngô, lạc) để tăng thu nhập. Nhờ mắc-ca được giá (từ 40 – 55 nghìn đồng/kg), nhiều hộ thu về hàng chục triệu đồng, mở ra hướng thoát nghèo ở địa phương.
Lãnh đạo xã Thèn Sin kiểm tra sự phát triển của vườn cây mắc-ca.
Những năm gần đây, nông dân xã Thèn Sin tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng đưa giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, trong đó có cây mắc-ca. Cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích cây mắc-ca; đồng thời khuyến khích cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu đưa cây mắc-ca vào chuyển đổi cơ cấu cầy trồng. Từ đó, người dân tự nguyện chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây mắc-ca, hoặc trồng xen chè, ngô, lạc. Cây mắc-ca từng bước khẳng định phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có 137,1ha mắc-ca; trong đó 31,22ha trồng thuần, 81,83ha trồng xen chè. Có 11ha mắc-ca đã cho thu hoạch quả, đạt 11 tấn quả năm 2022. Mô hình trồng mắc-ca được các cơ quan chức năng và người dân đánh giá vừa tốn ít công chăm sóc vừa cho thu nhập cao. Nhờ sản phẩm quả mắc-ca, mỗi năm, xã giảm từ 10 – 15 hộ nghèo. Nhiều người dân trên địa bàn đã và đang đăng ký mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới với nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Bắc – Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin cho biết: “Hiện nay, UBND xã đang quy hoạch, chỉ đạo bà con trồng mới 400ha cây mắc-ca trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Xã khuyến cáo người dân chủ động chăm sóc diện tích mắc-ca hiện có; liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng diện tích trồng, thu mua chế biến mắc-ca theo hướng bền vững. Người dân cần lựa chọn, mua giống cây mắc-ca rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bảo đảm nhằm nâng cao năng suất, sản lượng quả, nâng cao thu nhập gia đình”.
Có thể khẳng định, cây mắc-ca trên đất Thèn Sin đã mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bà con nông dân. Tin rằng, thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch, triển khai trồng cây mắc-ca theo vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.