Sáng 24/5, tại phiên thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), vấn đề có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục được nhiều ĐBQH tranh luận.
Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng đấu thầu đối với chọn nhà đầu tư, dự án với DNNN. Còn công ty con thuộc DNNN có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng sẽ không phải đấu thầu.
Từ đây có 2 loại ý kiến. Ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì cho rằng điều này nhằm đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết định của doanh nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như dự thảo sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước.
Thảo luận nội dung này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đồng ý với ý kiến thứ nhất, đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN. Vì việc mở rộng đồng nghĩa với việc thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.
Ông Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp nhà nước vì còn có các cơ chế giám sát khác. Do đó, không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN.
Theo ĐB, nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước.
Ông Hiếu lo ngại sự tác động của việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tranh luận với ĐB Phan Đức Hiếu “về phương án loại trừ công ty con của DNNN”, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết: “Chúng ta có quy định đấu thầu là bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. Những điều rất tốt đẹp này, tại sao chúng ta lại loại trừ những doanh nghiệp này thực hiện điều tốt đẹp như vậy?”.
ĐB Lê Hoàng Anh phân tích, các công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 50% vẫn đang thực hiện theo quy định của luật Đấu thầu. Vì vậy, ĐB đề nghị không loại trừ doanh nghiệp, công ty con do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.
Tiếp tục tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) ủng hộ quan điểm của ĐB Phan Đức Hiếu. Ông cho rằng: “Chúng ta không nên cực đoan trong việc này và đúng như ĐB Phan Đức Hiếu nói, không phải anh cứ làm ra Luật Đấu thầu, anh làm một số vòng kim cô như thế thì anh cho là mọi việc sẽ tốt. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người và doanh nghiệp”.
Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết.
Ông Nghĩa nói: “Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng của họ. Đối với doanh nghiệp, khi đấu thầu không chỉ có tiền mà còn nhiều yếu tố khác như thời gian, thời cơ. Đặc biệt, nếu không có tiêu cực thì quen biết cũng là yếu tố có lợi trong hoạt động đấu thầu vì doanh nghiệp làm ăn quen với nhau rồi. Chúng ta đừng suy nghĩ một cách cực đoan mà chúng ta cho là quấn nhiều vòng dây vào thì sẽ tốt hơn, tốt hơn có khi là chúng ta làm chậm đi, chúng ta siết chặt hiệu quả”.
Nhà nước chỉ quản lý DNNN, DNNN ấy đi đầu tư doanh nghiệp khác thì đã có nhiều luật khác quản lý như Luật Doanh nghiệp.
Vì vậy, ĐB thống nhất như ý kiến 1 và cho rằng: “Ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý, chứ không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tham nhũng, tiêu cực”.