Để giúp nông dân có thêm lựa chọn về chủng loại giống nấm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng nấm Bạch Ngọc (Macrocybe titans) tại TP. Nha Trang”. Kết quả bước đầu cho thấy, nấm thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Nha Trang, quy trình nuôi trồng tương đối đơn giản, hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao…
Chủ nhiệm đề tài kiểm tra mức độ phát triển của nấm Bạch Ngọc. |
Bà Ngô Thị Anh Khôi – chuyên viên Phòng Trồng trọt, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được triển khai từ tháng 10-2021 tại Hợp tác xã Nấm Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Trung, Nha Trang), đến nay thu về kết quả rất khả quan.
Tại khu vực triển khai đề tài, các bịch nấm được sắp đặt trên hệ thống kệ cao 3 tầng, bên trong khu trồng trọt có lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm, nấm đang trong thời kỳ phát triển ra quả thể. Ông Nguyễn Hữu Ngọc – Giám đốc Hợp tác xã Nấm Vĩnh Ngọc cho biết, nấm Bạch Ngọc có thể trồng trên nhiều loại mùn cưa của các loại gỗ mềm không có tinh dầu như: Keo, xoài, cao su…, thích hợp nhất là sử dụng mùn cưa gỗ cao su. Mùn cưa được ủ trong 10 – 12 ngày để đạt độ ẩm từ 65 – 70%, rồi đem phối trộn với các chất dinh dưỡng cần thiết và đóng vào bịch ni-lông. Các bịch này được điều chỉnh độ pH phù hợp rồi đem đi hấp khử trùng và cấy giống. Sau khi cấy giống, các bịch phôi nấm được xếp lên kệ trong khu vực thông thoáng, độ ẩm phù hợp, nhiệt độ phòng từ 28 – 32 độ C. Sau từ 50 đến 60 ngày, nấm sẽ phát triển, lan tơ phủ kín bịch phôi.
Lúc này, các bịch nấm được đưa vào thùng xốp hoặc thùng nhựa có lỗ thoát nước, phủ đất 2 – 3cm. Điều kiện thích hợp để nấm Bạch Ngọc ra quả thể là nhiệt độ từ 28 – 32 độ C, độ ẩm từ 80 – 90%, ánh sáng khuếch tán. Sau khi phủ đất khoảng 4 – 5 ngày, nấm cần tưới nước phun sương 2 – 3 lần mỗi ngày để duy trì độ ẩm. Sau khoảng 20 – 25 ngày nấm bắt đầu ra rộ. Loại nấm này cho thu hoạch từ 3 – 4 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 15 – 20 ngày.
Qua nghiên cứu thực tế tại Khánh Hòa, nấm Bạch Ngọc thích hợp nuôi trồng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho thu hoạch 170gr/bịch phôi nấm. Ông Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, 1 bịch phôi nấm Bạch Ngọc hiện được bán với giá khoảng 10.000 đồng. Trong trường hợp nông dân mua với số lượng 1.000 bịch trở lên, giá bịch phôi giảm xuống còn 5.500 – 6.000 đồng/bịch. Để trồng được 10.000 bịch phôi nấm, diện tích nhà trồng chỉ khoảng 200m2. Qua tính toán kết quả từ quá trình triển khai đề tài nêu trên, 10.000 bịch phôi nấm đem về 1,5 tấn nấm cho nông dân. Với giá bán tiếp cận thị trường là 70.000 đồng/kg, mô hình này đem lại lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/chu trình kéo dài khoảng 6 tháng kể từ khi bắt đầu ươm bịch phôi cho đến khi thu hoạch xong 3 – 4 đợt nấm.
Qua tìm hiểu, nấm Bạch Ngọc có mùi vị thơm ngon, giòn, ngọt thanh và giá trị dinh dưỡng cao. Sau kết quả khả quan thu được, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành đánh giá, nhân rộng trong thời gian tới.
HỒNG ĐĂNG