Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh
Vĩnh Phúc góp ý về hồ sơ trình dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Góp ý về hồ sơ trình dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đến nay còn khoảng 19 điều khoản giao Chính phủ và một số bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhưng chưa thấy dự thảo nghị định và hướng dẫn kèm theo. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa luật và các văn bản dưới luật để các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo quy định luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Đại biểu đặt câu hỏi, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu và hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có thuộc hoạt động đấu thầu không? Nếu thuộc hoạt động đấu thầu thì không cần phải nhắc lại tại điều này.
Khi đó, Điều 1 được thể hiện lại như sau: Luật này quy định về hoạt động đấu thầu, quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 tại Khoản 2, đại biểu Trần Văn Tiến lựa chọn phương án 2, trong đó điểm a quy định các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo các quy định luật của doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ.
Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.
Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết luật sửa đổi lần này có giảm thủ tục hành chính và thời gian trong hoạt động đấu thầu hay không? Đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định, đại biểu đề nghị nên quy định chỉ áp dụng đối với các gói thầu có thời gian thực hiện ngắn, bởi khi thời gian thực hiện dài thì giá vật tư, vật liệu, nhân công sẽ biến động, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án…
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo, báo cáo thẩm tra chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (tức Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự; Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu…
Thiệu Vũ