Ngày 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số dự án Luật.
Theo đó, trong phiên họp buổi sáng các đại biểu nghe các Báo cáo: quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trong phiên thảo luận, đã có 16 lượt ý kiến phát biểu, 5 lượt ý kiến tranh luận tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật đủ điều kiện để thông qua và sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trong thời gian qua. Đồng thời tham gia nhiều ý kiến về các nội dung được quy định trong dự thảo Luật, như: phạm vi áp dụng luật đấu thầu; các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước; về chỉ định thầu; trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu…
Buổi chiều, Quốc hội nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về: tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (tức Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó đã có 16 đại biểu phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu giải trình về những nội dung đại biểu nêu.
Với tinh thần thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, các đại biểu đã làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn nhằm góp phần hoàn thành dự án Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa được Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Đồng thời cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, những nội dung của dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung của dự án Luật như: Về nguyên tắc hoạt động Phòng thủ dân sự; về công trình phòng thủ dân sự; về Quỹ phòng thủ dân sự; về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3; về biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; về nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự…
Minh Ngọc