Trước áp lực bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều công ty lớn, trong đó có các tập đoàn ô tô, đã phải rời khỏi Nga. Đây có thể chính là động lực cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trỗi dậy.
Từ ngày 1/6, Trung Quốc sẽ đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách các cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa nội địa qua biên giới tại tỉnh Cát Lâm ở phía Đông Bắc. (Nguồn: Shutterstock) |
Nga mở cảng quan trọng cho Trung Quốc
Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022) và Moscow bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại, tài chính chưa từng có, Trung Quốc dường như là quốc gia được hưởng lợi. Nước này đã có quyền tiếp cận các vị trí địa lý quan trọng như cảng Vladivostok của Nga, hay kim ngạch xuất khẩu ô tô của quốc gia Đông Bắc Á đã tăng theo cấp số nhân.
Đến giờ, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập đối với xung đột trong khi đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Nhưng Bắc Kinh dường như đã tận dụng triệt để các biện pháp trừng phạt Moscow và nổi lên như một đối tác đắc lợi.
Mới đây, theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), từ ngày 1/6, nước này sẽ đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách các cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa nội địa qua biên giới tại tỉnh Cát Lâm ở phía Đông Bắc. Vladivostok là cảng lớn nhất bên bờ biển Thái Bình Dương của Nga, với sản lượng container thông qua hằng năm đạt gần 1 triệu TEU.
Việc mở cửa vùng Viễn Đông của Nga cũng nằm trong mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại giữa Nga-Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, việc mở cửa cảng này cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước, đặc biệt là thương mại trung chuyển, đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế và góp phần hồi sinh cơ sở công nghiệp cũ ở Đông Bắc Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng, việc cảng Vladivostok tham gia vào hệ thống thương mại của nước này là phản ánh “sự tin tưởng chiến lược cấp cao giữa Bắc Kinh và Moscow”.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Nga, sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Theo GACC, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đạt 73,15 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin gần đây đã ký sắc lệnh phê duyệt một thỏa thuận liên chính phủ nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống dẫn khí Viễn Đông.
Ông Song Kui, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế khu vực Trung Quốc-Nga nói: “Với việc Nga mở cảng Vladivostok cho Trung Quốc làm cảng trung chuyển, hai nước có thể hợp tác nhiều hơn trong hậu cần, tăng cường hơn nữa sức sống kinh tế của vùng Đông Bắc Trung Quốc và sự phát triển ở Viễn Đông Nga”.
Với việc trung chuyển qua cảng Vladivostok, hàng hóa từ các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm có thể vận chuyển ra biển trực tiếp, mà không cần đến tỉnh Liêu Ninh bằng đường bộ rồi đi tiếp ra biển. Khoảng cách từ Cát Lâm, Hắc Long Giang đến các cảng ở Liêu Ninh hơn 1.000 km, trong khi khoảng cách từ một số thành phố của tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm đến Vladivostok chỉ khoảng 200 km nên chi phí vận tải hàng hóa giảm đáng kể.
Theo Global Times: “Vận chuyển hàng hóa từ Bắc xuống Nam Trung Quốc thông qua cảng Vladivostok của Nga sẽ không chỉ cắt giảm chi phí mà còn giúp Bắc Kinh củng cố chuỗi cung ứng và công nghiệp với các nước láng giềng”.
Vladivostok nằm ở Đông Bắc Á, nơi giao nhau giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Nga. Đây là một nút giao thông quan trọng giữa toàn bộ châu Âu và châu Á. Ngoài vai trò là một tuyến giao thông kinh tế cốt yếu, nó còn có tầm quan trọng về địa chính trị đối với Nga.
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trỗi dậy
Nhờ vào việc tăng cường xuất khẩu sang Nga và nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong quý đầu tiên của năm 2023.
Ngành công nghiệp ô tô của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Các công ty lớn trên toàn cầu phải rời khỏi xứ sở bạch dương, đây có thể chính là một động lực cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển.
Quý I/2023, xuất khẩu xe ô tô Trung Quốc sang Nga tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước lên 140.000 chiếc. (Ảnh: Tomoko Wakasugi) |
Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc công bố, xuất khẩu ô tô trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay đã tăng vọt 58% so với cùng kỳ năm trước. Nước này đã xuất khẩu 1,07 triệu chiếc trong quý I/2023 so với 950.000 xe do Nhật Bản xuất khẩu.
Trong khi Bỉ, Australia và Thái Lan vẫn là điểm đến hàng đầu của xe điện Trung Quốc, thì Nga nổi lên là điểm đến xuất khẩu số 1 cho tất cả các loại xe do nền kinh tế số 2 thế giới sản xuất. Quý I/2023, xuất khẩu xe ô tô Trung Quốc sang Nga tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước lên 140.000 chiếc.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2/2022, Toyota Motor, Volkswagen và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác đã đóng cửa các nhà máy ở Nga và rút khỏi thị trường.
Khoảng trống này đã được lấp đầy bởi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Chery Automobile và Great Wall Motor đã lập tức mở rộng hoạt động ở Nga.
Trung Quốc cũng đã xuất khẩu gần 30.000 xe tải sang Nga, gần gấp 7 lần khối lượng so với năm ngoái.
Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về xe mới. Sự tăng trưởng đột phá trong xuất khẩu ô tô của quốc gia Đông Bắc Á dự kiến sẽ tiếp tục trong quý II này do Bắc Kinh đã đưa ra các ưu đãi về thuế để giúp ngành xe điện trong nước phát triển. Sự hỗ trợ của chính phủ đã góp phần đưa xe điện trở thành xu hướng chủ đạo.
Việc chuyển sang xe điện đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc xuất khẩu ô tô. Xuất khẩu các phương tiện sử dụng năng lượng mới trong quý đầu tiên, bao gồm cả xe điện, đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái lên 380.000 chiếc. Các phương tiện sử dụng năng lượng mới chiếm khoảng 40% tổng lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định, xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc, hai nền kinh tế này ngày càng cần nhau hơn. Cả Moscow, Kiev hay phương Tây đều chưa phải là bên chiến thắng nhưng Bắc Kinh dường như đã giành được nhiều lợi thế mới.