Chiều 24-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự phiên họp.
Tại phiên họp, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Các ý kiến nhất trí cao với việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng
Trước đó, trong quá trình thảo luận dự án luật, đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội. Do đó, dự thảo luật đang xây dựng 2 phương án xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Phương án 1 giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo luật theo hướng nên thành lập quỹ này.
Phương án 2 quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.
|
Giải trình, làm rõ nội dung mà các đại biểu Quốc hội nêu, tại phiên họp, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao.
Làm rõ về Quỹ Phòng thủ dân sự, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, dự án luật đã đưa ra hai phương án và Chính phủ đề xuất thành lập quỹ này trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố, thảm họa…
Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, nếu không có lực lượng cũng như nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn thì sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.
Theo đó, khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, Quân đội cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng y tế được giao tham gia giúp các vùng bùng phát dịch mạnh, thậm chí ngoài khả năng chống chịu của các vùng đó. Thế nhưng, lực lượng Quân đội đã thành lập được 16 bệnh viện cỡ 500 – 1.000 giường ở cả 3 miền đất nước; rồi vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 đến mọi miền; dùng xe cơ động sản xuất oxy cho người dân…
Nhấn mạnh nếu không có lực lượng, không có nguồn lực thì không thể thực hiện được việc này, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, rõ ràng phải cần lực lượng dự bị cũng như vốn, quỹ; khi xảy ra rồi thì không thể thực hiện được. Từ đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng; đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ Phòng thủ dân sự.
Đồng thời, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, bảo đảm quỹ hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.
Các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự
Đánh giá cơ quan soạn thảo (Bộ Quốc phòng) đã rất công phu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải có Quỹ Phòng thủ dân sự; tuy nhiên đề nghị rà soát để tránh chồng chéo. Bởi lẽ, theo đại biểu, cần chuẩn bị một nguồn quỹ trước để đề phòng các trường hợp thiên tai, thảm họa, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng bày tỏ với việc nên thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. Lý giải quan điểm này, đại biểu cho biết, Nghị quyết số 22 ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị có nêu, phòng thủ dân sự phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
“Như vậy, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo phương án 1 chính là công tác chuẩn bị cho phòng thủ dân sự từ sớm, từ trước khi xảy ra sự cố là thảm họa và đúng với tinh thần của Nghị quyết 22”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, mục đích hoạt động của quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra. Đại biểu nhận thấy quy định này là phù hợp bởi với sự có sẵn của nguồn lực có thể cung ứng ngay lập tức các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị thiệt hại đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.
“Nếu quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời lương thực, nước uống, thuốc men, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn. Do đó, nên thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự trước khi sự cố, thảm họa xảy ra để thực hiện tốt mục đích của phòng thủ dân sự là bảo vệ nhân dân”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích thêm.
Trung tướng Hà Thọ Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Tư lệnh Quân khu 4 cũng đề nghị giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình.
Theo đại biểu Hà Thọ Bình, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời. Trong khi đó, hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra…
“Thực tiễn cho thấy nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra”, đại biểu Hà Thọ Bình nói rõ.
THẢO NGUYÊN