Chạy dọc Quốc lộ 49B, đoạn đi qua địa phận các xã Hương Phong, Hải Dương (TP. Huế) ngày 24/5, chúng tôi chứng kiến cảnh đốt đồng cháy nghi ngút, khói bay mù mịt, lan sang đường giao thông. Điều này gây trở ngại lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với các phương tiện giao thông trên tuyến đường này.
Anh Dương Ngọc Long ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) cho rằng, tình trạng đốt đồng trên đồng ruộng cần phải chấm dứt, vì quá nguy hiểm đối với người đi đường. Mỗi lần đi trên tuyến Quốc lộ 49B, đoạn qua xã Hương Phong, Hải Dương sau thu hoạch lúa, nhiều lần anh Long phải dừng xe dắt bộ nhiều đoạn để tránh tai nạn do khói mù mịt từ đốt đồng.
Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, tuyên truyền về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đốt đồng, nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp, ngang nhiên và công khai đốt rơm rạ. Dạo quanh nhiều xứ đồng trên địa bàn tỉnh dễ dàng nhận thấy cảnh đốt đồng rất phổ biến sau thu hoạch lúa đông xuân.
Theo lý giải của người dân, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng nhằm đỡ tốn công thu gom rơm, lại kịp thời cày đất, gieo cấy lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, người dân chưa ý thức sự nguy hiểm, tác hại lâu dài về môi trường, sức khỏe con người do nạn đốt rơm rạ trên đồng. Trong khi hiện nay có nhiều biện pháp thu gom rơm rạ có thể áp dụng, như bán rơm cho các chủ máy cuộn, thu gom rơm ủ làm phân bón hữu cơ, dự trữ làm thức ăn cho gia súc…
Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mang lại. Khi đốt, tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ. Việc đốt rơm rạ còn làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt. Nếu đốt nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn. Việc đốt rơm rạ còn gây ô nhiễm bụi mịn, đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại.
Đốt rơm rạ không chỉ tạo ra những nguy hại vô cùng lớn đối với sức khỏe con người mà còn góp phần làm không khí nóng lên. Không những thế, hoạt động này còn làm sản sinh các khí carbon dioxit, metan và nitơ ôxit là những loại khí tạo ra hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thử nghiệm thành công mô hình máy cuộn rơm sau thu hoạch, mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều đơn vị, hộ cá nhân cũng tự mua sắm máy cuộn rơm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp hạn chế nạn đốt rơm rạ trên đồng. Tuy nhiên, số lượng máy cuộn rơm trên địa bàn tỉnh hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thu gom rơm rạ rạ trên đồng.
Thay vì đốt rơm trên đồng, người dân có thể tận dụng, thu gom rơm làm thức ăn chăn nuôi gia súc, phủ đất trồng rau, màu, làm nấm… Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.
Theo tính toán, cứ sử dụng một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ, người nông dân tiết kiệm được một lượng phân NPK tương đương gần 500 ngàn đồng. Sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ, còn tạo ra vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất lúa của nông dân, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế, tăng năng suất và cải tạo đất.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp tại HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền). Quá trình sản xuất phân bón hữu cơ hoàn toàn sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ rác, thân cây lạc… kết hợp với phân chuồng được xử lý đúng kỹ thuật gắn với chế phẩm sinh học. Trong thời gian từ 2-3 tháng, mỗi hộ tham gia mô hình sản xuất được hơn 2 tấn phân hữu cơ có chất lượng tốt. |