Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Nam Định đang quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Nam Định |
Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700 km2, dân số gần 2 triệu người, gồm 9 huyện và thành phố. Nam Định có bờ biển dài 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển kinh tế biển; là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông, mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi trong kết nối với Hà Nội, các trung tâm kinh tế (cách sân bay Nội Bài 130km, cách cảng Hải Phòng 100 km).
Kinh tế – xã hội phát triển ổn định
Thời gian qua, Nam Định đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Năm 2022 vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định và có bước phát triển, với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay (năm 2020 tăng 6,97%, năm 2021 tăng 7,7%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.750 tỷ đồng bằng 117,4% dự toán.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, xuất khẩu hàng hóa đạt 3,0 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng ước tăng 15% so với đầu năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 16,5% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng 3,9% so với năm 2021. Tỉnh cũng đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022 là 5.556 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm, đến nay cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển, với chiều dài toàn tuyến 66 km, tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình với chiều dài toàn tuyến 46 km, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng (đã hoàn thành giai đoạn 1)… Tổng mức đầu từ các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023- 2025.
Tổng mức đầu từ các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023-2025.
Khu Công nghiệp Bảo Minh – Nam Định. |
Nâng cấp hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư
Nam Định hiện có các khu công nghiệp (KCN) khá gần với các sân bay, cảng biển trọng điểm của Việt Nam; nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cơ bản thuận lợi, phù hợp với nhu cầu, quy mô đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN) để tạo mặt bằng cung ứng cho các doanh nghiệp thứ cấp thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tập trung huy động tối đa các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, CCN; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh vùng nam Đồng bằng sông Hồng.
Địa phương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện hoạt động giúp đỡ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội tại tỉnh và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng.
Thời gian qua, công tác thu hút mới các nhà đầu tư luôn được địa phương chủ động với hàng loạt các điều kiện thuận lợi, có sức hấp dẫn. Trong đó, chủ động lập và thực hiện hiệu quả các quy hoạch; hiện đang khẩn trương hoàn tất lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã tích hợp một cách khoa học, đồng bộ tất cả các quy hoạch thành phần như điện, nước, viễn thông, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh và đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch.
Trong 5 tháng đầu tư năm 2023, toàn tỉnh Nam Định thu hút được 3 dự án FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung là 126,7 triệu USD. Trong đó, Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất máy tính của nhà Tập đoàn Quanta của Đài Loan (Trung Quốc) đã được cấp với vốn đăng ký là 120 triệu USD. Luỹ kế đến nay, tỉnh Nam Định có 130 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3.845 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày, cơ khí, điện tử… Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật là một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tại Nam Định.
Hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy đang được tỉnh Nam Định đẩy mạnh đầu tư; riêng giao thông đường bộ trong 3 năm tới sẽ tương đối hoàn thiện kết nối thông suốt đến các sân bay, cảng biển của các trung tâm vùng và quốc gia, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nam Định cũng là một trong những địa phương đạt chất lượng cung ứng tốt nhất trên toàn quốc về hạ tầng điện lực, viễn thông. Một số KCN còn quỹ đất thu hút nhà đầu tư thứ cấp gồm: Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận, Trung Thành, Hồng Tiến…
Đồng thời, tỉnh Nam Định cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh; tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã chủ động gặp gỡ, làm việc với Đại sứ quán các nước và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực để giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Kỳ vọng tạo đột phá
Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Nam Định tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch.
Để cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Mặt khác, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư và sớm hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư…