Nhớ những ngày khoai lang “dọn” từ ngoài đồng về kho nhà. Ngày ấy, khoai rẻ như cho mà lo không hết. Bà thường phải làm đủ món để lũ trẻ chúng tôi “thanh toán” giùm. Khoai ngào là một trong những món quen thuộc. Khoai xưa kia là loại trắng vỏ, trắng lòng, không ngọt, không thơm như khoai mật, khoai tím… bây giờ.
Khoai xắt phơi khô để làm khoai ngào |
HOÀNG ANH |
Bởi vậy, cứ hễ mang khoai về là bà lại mang “đồ nghề” ra cặm cụi. Bà mang một cái nia, một con dao sắc, một cái thớt gỗ và một rổ khoai lang. Ngồi bên thềm nhà, bà đều tay xắt từng củ một. Đặt củ khoai lên thớt, bà dùng dao cắt ngang củ khoai thành từng khoanh tròn. Những miếng khoai đều tăm tắp rơi xuống nia. Xong công đoạn đầu, công đoạn thứ hai là làm “khoai bốn nắng”.
Bà chọn chỗ đón nắng bốn phương để phơi khoai. Nói là “bốn nắng” nhưng thời tiết khác nhau, thì lâu mau cũng khó biết. Cứ làm sao cho khoai thật khô là được. Tôi nhớ có lần bà giao nhiệm vụ ấy cho tôi. Tôi sắp hoàn thành. Nhưng ngày cuối cùng mãi chơi quên khuấy, trời đổ mưa rào, thế là hơi sức tất biếu “ông Địa”. Bất cẩn thế, nhưng bà chỉ mắng yêu vài câu rồi bưng nia khoai vào nhà, hôm sau đem phơi lại.
Rồi từ mớ củ khoai khô ấy, nội “phù phép” thành nhiều món. Có lúc thì mang đi nấu canh cùng củ lăng, món canh vẫn ngọt ngon dù chẳng có chút thịt thà. Cái hay là khi xắt ra phơi khô, rồi đem nấu chung với cơm lại rất bắt. Còn để nguyên củ thì ăn không mấy thơm ngon. Mùi củ quyện mùi cơm mới theo hơi nóng xông lên. Ôi, chẳng bút mực nào tả nổi. Nhưng độc chiêu và ngon nhất vẫn là món khoai ngào.
Cũng mớ khoai ấy, bà mang rửa sạch. Rồi mang đậu phộng, đậu đen đi ngâm. Theo đúng “công thức bà nội” thì đậu phải ngâm qua đêm rồi mới nấu, cốt là để đậu nhanh mềm. Ngày sau, chỉ cần vớt đậu bỏ vào nồi nấu trước. Nhắm mắt, mở mắt là thấy đậu chín. Rồi cho khoai “cộng tác” với các thứ đậu kia. Ngọn lửa bếp liu riu liếm quanh đáy nồi. Mùi củ đã bắt đầu dò đến “ống thở” của lũ trẻ. Đứa nào cũng háo hức, chờ đợi.
Khoai ngào |
L.M.HẠ |
Bà giở nắp nồi, khói lên nghi ngút. Bà cho đường vào và đảo đều tay để mọi thứ hòa làm một. Nội tôi nấu rất khéo. Nếu bạn không có “nghề”, nấu sẽ nhão hoặc khô, hoặc có thể quá ngọt… Chặng đường để tự nấu được món khoai ngào ngon thực sự nhiêu khê. Nguyên liệu cuối cùng là một trái dừa khô. Bà mang ra nạo để “phụ họa” cho món ăn vặt cây nhà lá vườn kia.
Ngó thấy nồi khoai đã đạt yêu cầu – đã ráo, bà nhấc xuống. Từ từ bà múc khoai ra thố và cho dừa nạo vào rồi ép lại. Sự chờ đợi vỡ òa khi bà chia cho mỗi đứa một miếng khoai sực nức mùi thơm. Miếng khoai mềm mà không bở, ngọt nhưng không hề gắt. Khoai mềm, đậu thơm, kết hợp vị béo của dừa và vị ngọt của đường, chỉ bấy nhiêu thôi mà “bỏ bùa” biết bao thế hệ. Vị ngọt thơm ấy không chỉ thấm trong miếng khoai, mà còn thấm cả vào hồn tôi.
Từ ngày xã lên phường, khoai ngào ẩn chốn nào? Hiếm hoi lắm mới được một lần hội ngộ cố nhân. Chiều nay, giọng mời: “Ai ăn khoai ngào” đã cho tôi gặp lại tuổi thơ. Tôi mua ngay một gói. Nhưng hương vị không như ngày xưa. Có lẽ thế, vì món khoai của bà còn gói cả tình thương. Ăn khoai, nhớ quắt quay ngày cũ…