Tuần qua, giá heo hơi liên tục đi lên, có nơi tăng 10.000 đồng một kg, tương đương khoảng 20% so với tháng trước.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá hơi tăng 5.000 đồng trong tuần qua, lên 57.000-60.000 đồng một kg. Ở miền Trung, giá cũng tăng cao, trong đó, các tỉnh như Huế, Thanh Hóa, Bình Thuận, giá tăng 6.000 đồng, lên 60.000-61.000 đồng một kg.
Riêng khu vực miền Nam, giá heo hơi ghi nhận có sự tăng mạnh nhất tuần qua. Tại TP HCM và Đồng Nai, heo loại 1 tăng lên 62.000 đồng một kg, loại 2 dao động 57.000-59.000 đồng.
Giá hơi cao, khiến giá heo mảnh ở các chợ đầu mối TP HCM những ngày gần đây lên 74.000 đồng một kg. Giá thịt bán lẻ tại các chợ và siêu thị cũng điều chỉnh tăng 2.000-3.000 đồng. Theo đó, thịt ba rọi được bán 140.000-160.000 đồng một kg, sườn non 160.000-170.000 đồng, chân giò rút xương 120.000 đồng.
Ông Hoàng, thương lái chuyên thu mua heo ở Đồng Nai cho biết nguyên nhân khiến giá heo tăng là do lượng tái đàn còn chậm nên nguồn cung giảm.
Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi đang lan rộng, trong đó, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tỉnh này đã cấp hàng chục tỷ đồng cho các huyện, thành phố để phòng chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình tăng cường giám sát đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm khoanh vùng xử lý ổ dịch.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngoài yếu tố dịch bệnh, tác động lớn nhất khiến giá heo tăng vẫn là yếu tố cung cầu. Thời gian gần đây, giá heo lao dốc sâu đã khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng nên nguồn cung ra thị trường giảm so với tháng trước đó.
“Với mức giá 58.000-62.000 đồng một kg, người nuôi mới chỉ hòa vốn hoặc có lãi thấp”, ông Công nói.
Ông này dự báo, thời gian tới giá heo có thể chỉ tăng nhẹ chứ khó đột biến vì sức mua trên thị trường còn yếu do nền kinh tế suy thoái, nhiều nhà xưởng, xí nghiệp ngừng hoạt động.
Thi Hà