Lãi suất giảm, huy động vốn giảm
Chiều muộn ngày 23/5/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Đây là lần thứ ba trong năm nay Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Trước đó, cơ quan này đã có 2 lần giảm lãi suất liên tiếp trong tháng 3/2023, kéo theo đà giảm lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại.
Các đợt giảm lãi suất huy động được thực hiện nhằm tạo dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 4/2023, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2 – 0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,3 – 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,1 – 8,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,8 – 8,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,1 – 8,3%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Nhờ giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6 – 11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất huy động giảm tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ở chiều ngược lại, kênh tiền gửi ngân hàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong quý 1/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77%, thấp hơn nhiều so với con số 2,15% của quý 1/2022.
Kênh đầu tư nào sẽ hiệu quả?
Hiện tại, có 3 kênh đầu tư chính “cạnh tranh” với tiền gửi ngân hàng. Đó là vàng, ngoại tệ và bất động sản. Tuy nhiên, ngoại tệ và bất động sản đang “yếu thế” rõ nét.
Về ngoại tệ, chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023, được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/5/2023, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia dự báo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ không còn tăng lãi suất trong năm nay sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007; đồng thời sẽ đảo chiều lãi suất kể từ đầu năm 2024.
Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, biến động của tỷ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá 0,7% – 0,8% so với USD. TS. Cấn Văn Lực dự báo, tỷ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VNĐ nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5 – 1%.
Với lợi nhuận thấp như vậy, rõ ràng đồng bạc xanh không phải là điểm đến hiệu quả.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm nhưng chưa đáng kể, vẫn dao động khoảng 13%/năm. Ông Đính cho biết, lãi suất này dưới 10%/năm mới phù hợp.
Với thị trường bất động sản, rào cản không chỉ nằm ở lãi suất cao mà còn ở chỗ rất khó tiếp cận vốn vay.
Trong các kênh đầu tư, có vẻ như vàng khả quan hơn cả. Hiện tại, vàng đã giảm đáng kể sau khi chinh phục mức cao nhất mọi thời đại (2.085,4 USD/ounce) tại ngày 5/5/2023.
Vào phiên sáng 24/5 tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.973,9 USD/ounce, giảm khoảng 111,5 USD/ounce, tương đương 5,3% so với “đỉnh” cao nhất mọi thời đại. Chính vì vậy, kim loại quý này có nhiều dư địa bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh trần nợ công có thể khiến Mỹ vỡ nợ.