Sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức nhằm đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước…
Ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao. Song sự phục hồi ở dòng khách quốc tế vẫn còn chậm, trong khi bộ phận này lại cấu thành một tỷ trọng doanh thu lớn của toàn ngành. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế – một mục tiêu đầy thách thức nếu so với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022.
Tuy nhiên, con số này hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí đạt cao hơn nếu có những kế sách khả thi được sớm áp dụng triển khai trong thực tế. Bài học thành công từ nhiều quốc gia trong khu vực là minh chứng cho điều đó.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng: “Kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới cho thấy, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Ngay cả với Việt Nam, năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch. Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng”.
Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính là một trong những vấn đề quan trọng để cải thiện khách du lịch đến Việt Nam.
“Tôi biết quá trình ngoại giao rất khó, phức tạp nhưng làm càng tốt chúng ta càng được hưởng lợi. Việt Nam nên mở rộng diện miễn visa, mở rộng thị thực điện tử. Không có nghiên cứu nào cho thấy luật càng lỏng lẻo thì khách càng nhiều. Hãy nhìn Singapore, chúng ta thấy luật của họ chặt chẽ nhưng khách vẫn nhiều. Trong khi Việt Nam cũng có những điều luật về cấm chèo kéo khách du lịch nhưng có lẽ điều này vẫn còn”, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nói.
Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch tiểu ban Du lịch và Khách sạn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng: “Du khách quốc tế từ góc độ kinh tế mang đến ngoại tệ và kinh tế tới Việt Nam. Điều này đóng góp tích cực vào xuất khẩu Việt Nam cũng như dự trữ ngoại hối của ngân hàng Trung ương. Họ cũng có sức mua rất lớn. Họ mua hàng thúc đẩy trao đổi văn hóa, hiểu biết giữa các nước, các dân tộc. Họ đến Việt Nam và hiểu hơn về Việt Nam, đó là hiệu ứng thứ phát”.
Cũng theo ông Martin Koerner, Việt Nam cần cải thiện chính sách visa. Chính sách visa của Việt Nam so với Thái Lan, Singapore quá hạn chế và phức tạp. Tuần trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận mở rộng visa cho du khách quốc tế, tuy nhiên mọi thứ đang diễn biến rất chậm.
“Các bạn có thể học Thái Lan, khi họ muốn thực hiện một biện pháp nào thì triển khai rất nhanh. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần chú ý tới chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại cửa khẩu xuất nhập cảnh. Tôi đến Thái Lan thấy ở sân bay họ cho thấy thân thiện và thể hiện thái độ của chủ nhà chào mừng đến Thái. Trong khi khách đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nhân viên không thể hiện sự chào đón mà là bộ mặt rất nghiêm túc. Có lẽ cần bồi dưỡng để họ có thể mỉm cười khi gặp du khách. Khi bay từ châu Âu, Mỹ đã quá mệt rồi mà đến sân bay phải xếp hàng 2-3 tiếng để làm thủ tục, điều này ảnh hưởng tới tỷ lệ khách quay trở lại. Trải nghiệm của họ ở đó là đã không vui, không được đón chào…”, ông Martin Koerner nói thêm.
Tin, ảnh: HẢI HOÀNG