Khó tiếp cận tín dụng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chậm hoặc không thể phục hồi hoạt động, chưa nói đến mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, cần sớm giải tỏa nỗi ám ảnh quy định hành chính với doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC) |
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 22/5, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội đã nêu ra thực trạng: tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong bốn tháng đầu năm 2023 và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đối diện với áp lực trả nợ lớn, phải chuyển nhượng hoặc bán cổ phần doanh nghiệp với giá rất thấp.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp được bán cho các đối tác nước ngoài. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải rút lui khỏi thị trường và không ít doanh nghiệp đã phải “bán thân mình” cho nhà đầu tư ngoại khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Khó tiếp cận tín dụng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chậm hoặc không thể phục hồi hoạt động, chứ chưa nói đến mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo khảo sát của VCCI, năm 2022 chỉ có gần 18% doanh nghiệp được hỏi cho biết có khoản vay tại các ngân hàng.
Điều đáng quan tâm là tỷ lệ này đã giảm liên tiếp trong thời gian gần đây: năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có khoản vay từ các tổ chức tín dụng là gần 49%, sang năm 2018 còn 45%, năm 2019 còn 43%, năm 2020 còn hơn 42%, năm 2021 còn trên 35% và năm 2022 chỉ còn gần 18%. Cùng với khó tiếp cận tín dụng là áp lực lãi suất của các khoản vay.
Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm. Do đó, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc Hội mới đây thì tăng trưởng tín dụng tính đến đầu tháng 5/2023 chỉ đạt 2,78%, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn tín dụng lại là các quy định. Cũng theo khảo sát năm 2022 của VCCI, có tới gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết lý do khiến họ không thể vay vốn là bởi không có tài sản đảm bảo.
Có thể thấy, quy định chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp đảm bảo sự an toàn cho khoản vay nhưng lại coi nhẹ cơ hội, khả năng thành công, cũng như tính hiệu quả của dự án đầu tư. Bởi thế, sẽ có nhiều nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp bị lỡ cơ hội, buộc phải dừng các ý tưởng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh chỉ bởi các quy định nặng tính chất hành chính.
Nhìn rộng hơn, theo một phát biểu hồi đầu tháng 5/2023 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mấy năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành thêm nhiều quy định. Thực tế này tất yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư theo cả hai chiều hướng.
Nếu quy định hợp lý thì sẽ điều chỉnh hành vi của các bên liên quan, góp phần tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Ngược lại, nếu các quy định chỉ nhằm siết chặt quản lý Nhà nước mà không phù hợp thực tế, không đáp ứng đúng nhu cầu của các bên liên quan thì lại có thể tạo ra các rào cản thủ tục hành chính rườm rà, thu hẹp không gian tự do kinh tế và gây khó khăn cho hoạt động cũng như các nguyện vọng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp.
Sự phát sinh các quy định hành chính quá rườm rà, không thúc đẩy các nguyên tắc, quy luật căn bản như cạnh tranh, bình đẳng, tự do, cung cầu là biểu hiện đi ngược với tiến trình vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại.
Hệ quả dễ thấy nhất là các quy định chỉ thuần túy phản ánh nhu cầu quản lý mà coi nhẹ nhu cầu của các bên liên quan sẽ làm gia tăng thời gian cho việc hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư, hoặc cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Điển hình cho những bất cập về các quy định hành chính được nói đến nhiều trong thời gian gần đây là những yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, hay đăng kiểm. Không ít doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì khó có thể thực hiện theo được các quy định chưa phù hợp nêu trên.
Bảo đảm và thúc đẩy tự do kinh tế là điều kiện sống còn với sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại. Vì thế, để góp phần đưa nền kinh tế nước ta sớm thoát ra khỏi những khó khăn hiện nay và hướng đến sự phát triển bền vững thì một yêu cầu hàng đầu là phải giảm thiểu các quy định mang tính “trói buộc”, xa rời thực tiễn. Gỡ bỏ những quy định nặng về ý chí chủ quan chính là biện pháp thiết thực để khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đối diện với nhiều thách thức nan giải hiện nay, để nhanh chóng gỡ bỏ những rào cản, tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển thì cần sự quyết liệt hành động từ chính quyền trung ương.
Theo đó, nên sớm thành lập các “Tổ đặc nhiệm” để trực tiếp tiến hành rà soát và xử lý những thủ tục, quy định hành chính không phù hợp. Đây là những tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương để rà soát xem những quy trình, thủ tục hành chính nào đang tạo ra những yêu cầu không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, từ đó kiến nghị cách thức bãi bỏ ngay những “giấy phép con”.
Kịp thời phát hiện các nhu cầu của doanh nghiệp và thực hiện những điều chỉnh chính sách đáp ứng đúng nhu cầu sẽ là nhóm giải pháp then chốt để chính quyền thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng vượt qua khó khăn. Đặt trong bối cảnh hiện nay, việc gỡ bỏ hoặc điều chỉnh các quy định hành chính chưa phù hợp sẽ đáp ứng đúng mong đợi của nhiều doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tự vượt qua khó khăn thay vì phải thu hẹp, tàm dừng, hay chấp nhận bị sáp nhập, bị bán cho người khác.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần triển khai nhiều hình thức đối thoại, ghi nhận ý kiến, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Khi gia tăng các buổi đối thoại thì chính quyền không chỉ sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến, mà còn tìm ra những cơ sở hợp lý cho sự linh hoạt điều chỉnh các quy định chính sách phù hợp, thiết thực hỗ trợ đúng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp.