– Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em ở lứa tuổi thanh thiếu niên mắc các hội chứng rối loạn tâm lý, tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng có xu hướng gia tăng ở các tỉnh, thành trong cả nước trong đó có Lạng Sơn. Trước thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng, gia đình và nhà trường quan tâm, can thiệp kịp thời, tránh những tổn hại về sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tự tử
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh lý có tỷ lệ mắc khá cao. Trong báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, trong 1 năm tiến hành điều tra, kết quả cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến.
Những trường hợp đáng lưu tâm
Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được mà thường nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này. Điều đáng nói là thời gian gần đây, tình trạng rối loạn lo âu có trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên dẫn đến hành vi tự tử đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Tại Lạng Sơn, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã ghi nhận một số trường hợp nhập viện cấp cứu do uống thuốc tự tử, trong đó có lứa tuổi vị thành niên. Thậm chí đã có trường hợp học sinh nhảy cầu tự tử để lại nỗi đau cho gia đình và hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi này.
Đặc biệt, từ ngày 1/4/2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 5 trường hợp nhập viện cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, hóa chất ăn mòn (chất tẩy rửa bồn cầu) do tự tử. Các trường hợp trên đều có tuổi đời rất trẻ, nằm trong nhóm trẻ vị thành niên. Qua khai thác, tìm hiểu thông tin từ gia đình thì các trường hợp bệnh nhân này đều có những biểu hiện của trầm cảm như: buồn bã, lo âu, u uất và trước đó đã có một hoặc vài lần có ý định tự tử.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân L.P.H, 17 tuổi, huyện Bình Gia được Trung tâm Y tế huyện chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào ngày 21/4/2023 với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ. Sau khi cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã dần hồi phục và xuất viện. Qua khai thác thông tin, nguyên nhân bệnh nhân tự tử là do mâu thuẫn với bạn gái. Người bệnh tự uống thuốc diệt cỏ, được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu. Trong quá trình theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cho biết, bệnh nhân này có những biểu hiện buồn, lo âu, u uất, dễ cáu giận, không thích nói chuyện… Đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng do không được chẩn đoán và điều trị sớm nên đã dẫn đến hành vi tự tử ở người bệnh.
Trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên có thể kể đến như: trong gia đình có người bị trầm cảm; áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập; mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm đối với trẻ… Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: chấn thương, bệnh tật… Tất cả những điều này khiến trẻ bị căng thẳng, hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.
Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó trưởng Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi người bệnh tự tử sẽ có 2 trường hợp để xác định nguyên nhân như: do bệnh nhân bị trầm cảm; bệnh nhân bị tâm thần có ảo giác. Tự tử chính là một trong những biểu hiện nặng của bệnh trầm cảm. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm ở thể nhẹ thì một số trẻ cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”, nếu ở thể nặng thì trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự tử.
Chủ động tuyên truyền, phòng chống
Để ngăn ngừa những diễn biến bất lợi về tâm lý của trẻ ở lứa tuổi học đường, những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã vào cuộc tuyên truyền và tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, chữa trị.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hằng năm thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội đảm bảo mỗi trường có 1 giáo viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng tư vấn tâm lý và thành lập 1 tổ tư vấn tâm lý và công tác xã hội. Từ năm 2022 đến nay, sở đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội với trên 2.000 giáo viên tham gia… Cùng đó, yêu cầu các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên.
Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Những năm qua, các trường học trên địa bàn đã phối hợp với lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý đối với học sinh về giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản, nghề nghiệp, các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, các trường học và phụ huynh đã tăng cường phối hợp hỗ trợ tâm lý cho con em, học sinh thông qua họp phụ huynh 2 lần/năm và gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại, zalo, facebook nhằm giúp trẻ có suy nghĩ, hành động tích cực…
Chị N.T.H, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn có con đang học cấp THCS cho biết: Cuối năm 2022, con tôi có biểu hiện chán học, không tập trung, không thích tham gia thể thao như trước. Nắm được thông tin từ phía nhà trường, tôi đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quan tâm tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ, động viên con. Nhờ đó, thời gian gần đây, con đã lấy lại hứng thú đối với việc học, hòa nhập với bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Cùng với ngành GD&ĐT, các cấp, ngành chức năng, đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý cho trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Đơn cử, hội phụ nữ các cấp thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em; đoàn thanh niên các cấp thường xuyên phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý cho đoàn viên, thanh niên, đồng thời tạo những sân chơi lành mạnh cho trẻ được trải nghiệm, khám phá bản thân…
Song song với phòng ngừa, các cơ sở y tế trên địa bàn cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để tiếp nhận, xử lý, điều trị cho bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Toàn tỉnh hiện có 2 phòng phám chuyên khoa tâm thần thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các phòng khám này thực hiện việc khám, tư vấn, điều trị các trường hợp liên quan đến tâm thần, thần kinh nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng.
Qua đây có thể thấy, trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm hoặc bệnh lý về tâm thần đã không phải là hiếm gặp. Trong thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, phòng, chống, điều trị các bệnh lý này ở trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, môi trường sống ở gia đình là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là trẻ vị thành niên.
Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
“Bệnh trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ quan tâm và áp dụng liên tục các biện pháp. Cụ thể, cha mẹ cần luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ. Cha mẹ nên cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hằng ngày phù hợp, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất… Ngoài ra, cha mẹ cần biết tâm sự, chia sẻ, giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng, gây áp lực cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện tâm lý và những dấu hiệu của bệnh trầm cảm cần đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời”.