88% sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng
Thông tin mới nhất từ chính phủ Anh hôm 23.5 cho biết, từ tháng 1.2024, chỉ những sinh viên quốc tế đang theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ mới được phép mang người phụ thuộc đến Anh. Động thái này có thể khiến cho 88% du học sinh sau ĐH (bao gồm người Việt) không còn cơ hội dẫn theo thân nhân đi cùng, theo tờ The Telegraph.
Theo Bộ Nội vụ Anh, quyết định này sẽ giúp cắt giảm đáng kể lượng người di cư và ngăn chặn tình trạng lợi dụng thị thực du học để trốn lại, tìm việc ở Anh.
Trong một bài viết trên tờ The Telegraph ngày 23.5 Thủ tướng Anh Rishi Sunak lưu ý, chính phủ cũng sẽ cấm sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực làm việc trước khi hoàn thành chương trình đào tạo. Theo ông Sunak, Anh đang cân nhắc xây dựng một hệ thống đánh giá chất lượng các trường ĐH, cũng như kiểm soát những công ty du học bất lương nhằm chấm dứt tình trạng các trường “bán” quyền nhập cư thay vì giáo dục.
Tuy nhiên, ông Sunak khẳng định những biện pháp trên không nhằm chống người nhập cư và cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu đã đề ra là đến năm 2030 sẽ thu hút được 600.000 sinh viên quốc tế đến Anh học tập.
Theo số liệu từ Đại sứ Anh tại Việt Nam, hiện có khoảng 12.000 du học sinh Việt đang học tập tại Anh và Việt Nam là một trong năm quốc gia ưu tiên trong chiến lược giáo dục quốc tế của Anh.
Du học sinh Việt không quá lo lắng?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt ở Anh nhìn nhận quyết định mới nhất của chính phủ nước này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng du học sinh Việt Nam. Lý do là đa số người Việt theo học chương trình thạc sĩ không nhắm đến mục đích định cư lâu dài.
“Nhiều người Việt chọn du học Anh vì chương trình đào tạo thạc sĩ chỉ diễn ra trong một năm, thay vì kéo dài đến 2 năm ở một số quốc gia như Mỹ và Úc. Trong đó, thời gian thực học kéo dài khoảng 7-8 tháng, rồi bạn có thể trở về Việt Nam thực hiện luận văn xét tốt nghiệp. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí lẫn thời gian”, người này phân tích.
Cũng theo nghiên cứu sinh tiến sĩ này, vì du học sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ được cấp thêm thị thực làm việc trong 2 năm nên thân nhân đi cùng họ cũng được ở lại Anh đến 3 năm. Trong trường hợp hy hữu, người phụ thuộc nếu tìm được việc làm ổn định còn có thể bảo lãnh lại người học.
“Cá nhân tôi chưa thấy bạn bè Việt Nam nào học thạc sĩ mà đi cùng thân nhân. Tuy nhiên, điều này khá phổ biến với du học sinh một số nước. Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia có nhiều sinh viên đi cùng gia đình đến Anh”, du học sinh Việt nói thêm.