Lực lượng Nga triển khai UAV Lancet tập kích các tổ hợp phòng không tầm xa S-300 Ukraine, phá hủy ít nhất hai cụm xe chở đạn kiêm bệ phóng.
Tài khoản Voenacher trên Telegram chuyên đăng tư liệu về lực lượng Nga tham chiến tại Ukraine hôm 23/5 chia sẻ video từ máy bay không người lái (UAV), cho thấy khoảnh khắc trận địa tên lửa S-300 Ukraine bị tập kích.
Trong video đầu tiên, hai xe chở đạn kiêm bệ phóng 5P85S/D Ukraine phủ lưới ngụy trang bị UAV trinh sát Nga phát hiện trong trạng thái nghỉ ở công sự kiên cố, chưa chuyển sang chế độ chiến đấu.
UAV tự sát Lancet của Nga sau đó lao thẳng xuống bệ phóng tên lửa trong trận địa S-300 và phát nổ. Đòn tập kích không kích nổ tên lửa trong ống bảo quản, nhưng gây hư hại nặng với khoang chứa thiết bị điều khiển bệ phóng.
Đòn tập kích nhiều khả năng khiến cả hai xe phóng mất khả năng chiến đấu, do khoang điều khiển trên xe 5P85S có nhiệm vụ kết nối và kiểm soát hoạt động của bệ 5P85D bên cạnh.
Video thứ hai quay bằng cảm biến ảnh nhiệt trên UAV Nga, không cho thấy loại vũ khí được sử dụng để tập kích trận địa S-300 Ukraine. Ít nhất 3 vụ nổ được ghi nhận, trong đó một vụ dường như kích hoạt nhiên liệu rắn của tên lửa S-300, khiến nó tự phóng và đâm xuống khu đất trống gần đó.
Thời gian và địa điểm trận địa đầu tiên bị tấn công không được công bố, trong khi trận địa thứ hai dường như nằm tại khu vực do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Zaporizhzhia. Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/5 tuyên bố đã phá hủy một hệ thống S-300 Ukraine tại làng Zheltoye thuộc tỉnh Donetsk.
Hệ thống S-300 vẫn là tên lửa phòng không tầm xa chủ lực trong biên chế Ukraine, trong bối cảnh nước này mới nhận hai tổ hợp Patriot do Mỹ chế tạo và phải ưu tiên bảo vệ thủ đô Kiev.
Tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây đánh giá phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không. Kho dự trữ đạn tên lửa S-300 của Ukraine cũng có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá cạn tên lửa phòng không là kịch bản thảm họa đối với Ukraine, khiến lưới phòng không nước này xuất hiện nhiều lỗ hổng. Điều đó cho phép máy bay Nga tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa vũ khí tầm ngắn, thay vì sử dụng tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.
UAV tự sát Lancet được Nga ra mắt năm 2019, có khả năng hoạt động độc lập, không cần sự hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển. Sau khi phát hiện mục tiêu, Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công.
Biến thể Lancet nguyên gốc có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg, trong khi mẫu Lancet nâng cấp có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ 5 kg mạnh hơn.
Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Reuters)