Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới
Chia sẻ về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá và gia tăng ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3.000- 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000- 47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất độc hại từ các mẩu thuốc lá.
Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Theo ước tính của WHO, Việt Nam đã tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là khoảng 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy vậy, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mức giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới, đa dạng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá.
Phòng chống tác hại thuốc lá là trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
ThS. Đào Thế Sơn – Đại học Thương mại chia sẻ: “Từ 2010 đến 2015, nhóm nghiện thuốc lá nặng giảm trong nhóm hộ gia đình giàu nhất, tăng trong các nhóm hộ gia đình nghèo nhất, nghèo và trung bình. Rác thải nhựa của các nhà máy thuốc lá chiếm 12% rác thải nhựa được nhận diện là từ các công ty. Trồng cây thuốc lá, mang lại lợi ích kinh tế không đáng kể, nếu tính cả chi phí cơ hội của thành viên hộ gia đình. Trong khi đó, các hộ trồng lại đối mặt với rủi ro sức khoẻ, tỷ lệ mắc 9/16 rủi ro sức khoẻ cao hơn các hộ không trồng thuốc lá.
Nước ta có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha, tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng gia tăng nhanh chóng, kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi. Vì vậy, công tác phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ phụ nữ trẻ em khỏi tác hại của thuốc là là việc làm hết sức cần thiết.
Cần thiết tăng thuế thuốc lá
Trao đổi tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc HealthyBridge Canada Việt Nam nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em. Với các gia đình, việc có thành viên sử dụng thuốc lá đã lấy đi một phần thu nhập đáng kể, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư cho giáo dục và y tế . Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị An, ở Việt Nam, năm 2020, số tiền chi mua thuốc lá của người dân là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Thị An khuyến nghị: Việt Nam cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm các địa điểm cấm hút thuốc, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán sản phẩm thuốc lá lậu.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Sử dụng chính sách thuế và giá là giải pháp hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo áp dụng.
Đặc biệt, Chính phủ cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện, thuốc lá nung nóng theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO; tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; truyền thông về trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, người lớn trong bảo vệ trẻ em tránh khỏi tác hại của thuốc lá…
Đồng tình với bà Nguyễn Thị An, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ y tế cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng …
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường; Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Không nên thực hiện thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự.
Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam kiến nghị, Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Dài hạn, đạt mức 70-75% giá bán lẻ theo tiêu chuẩn toàn cầu của WHO…
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường cơ chế trích riêng thuế cho nâng cao sức khỏe Mô hình Quỹ nâng cao sức khỏe đã được áp dụng hiệu quả tại khoảng 20 quốc gia như ThaiHealth, VicHealth, Healthway, Singapore Health Promotion Board…
“Việt Nam nên xem xét áp dụng cơ chế hiện hành đối với Quỹ thuốc lá cho các sản phẩm rượu bia và nước ngọt để hình thành Quỹ nâng cao/bảo vệ sức khỏe, có thể chi cho nâng cao sức khỏe và bảo hiểm y tế cho người nghèo”, – BS Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.