TTH.VN – Ngày nước thế giới 22/3/2023 với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” để giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường với thông điệp tất cả mọi người cùng hành động để thay đổi.
Nước là yếu tố không thể tách rời cuộc sống con người nên cần bảo vệ, gìn giữ
Theo Liên Hợp Quốc, nước là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nước gắn bó chặt chẽ với ba trụ cột của phát triển bền vững và tích hợp các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị. Nước xuyên suốt và hỗ trợ đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, thành phố, môi trường, an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng giới và sức khỏe, trong các mục tiêu phát triển bền vững khác.
Nước thực sự là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước đã được quốc tế thống nhất, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Ngày nay, một phần tư dân số toàn cầu (2 tỷ người) sử dụng nước uống không an toàn. Khoảng một nửa nhân loại (3,6 tỷ người) sống mà không có hệ thống vệ sinh đảm bảo. Cứ 3 người thì có 1 người (2,3 tỷ người) thiếu thiết bị rửa tay cơ bản tại nhà. Hơn 80% nước thải được thải ra môi trường mà không được xử lý hoặc tái sử dụng. Gần 3/4 các thảm họa gần đây có liên quan đến nước, gây thiệt hại gần 700 tỷ USD trong 20 năm qua. Và dự báo hạn hán có thể xem như “đại dịch” tiếp theo của thế giới.
Tuy nhiên, nước không chỉ mang đến cho chúng ta những thách thức, mà còn mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội lớn. Nếu chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng và mối liên kết hữu cơ của nước trong tự nhiên, nước trong cuộc sống, chúng ta sẽ đưa ra được giải pháp toàn diện. Nước sẽ trở thành đòn bẩy cho một nền kinh tế xanh, giúp phục hồi khí hậu và góp phần tạo nên một thế giới bền vững toàn diện. Nước liên kết chúng ta lại với nhau vì lợi ích, và đưa chúng ta thành một liên minh toàn cầu để cùng tăng cường năng lực và cung cấp giải pháp tối ưu cho nước.
Nhà máy xử lý nước thải TP. Huế đáp ứng nguồn nước an toàn
Muốn có được những giải pháp toàn diện, chúng ta cần tránh các chiến lược ngắn hạn, đơn lẻ. Chúng ta giải quyết các thách thức môi trường, phải gắn với sự phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế bền vững.
Các giải pháp công bằng và linh hoạt; xác định các điểm nóng và các cơ hội đầu tư xanh. Đồng thời xây dựng năng lực quản lý nước trên tất cả các tầng lớp xã hội, các ngành và xuyên biên giới. Chúng ta cần nhanh chóng tìm ra sự cân bằng mới để đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước: Nước-con người- kinh tế- thiên nhiên.
Tại Thừa Thiên Huế những năm qua đã quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cũng như giúp người dân địa phương tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, an toàn phục vụ cho sản xuất.
Hằng năm tỉnh cũng đã chỉ đạo, dành kinh phí để tổ chức triển khai đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên các sông đầm; tăng cường giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa; hỗ trợ nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn.
Xây dựng đê đập để điều tiết, bảo vệ nguồn nước sông đầm là nhiệm vụ quan trọng
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và ban hành nhiều Danh mục, đề án phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước; xây dựng ứng dụng truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên.
Thông qua các hoạt động như tổ chức hưởng ứng Ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất; các buổi tọa đàm và các phương tiện thông tin, Sở TN&MT phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước đến người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, Sở tham mưu tổ chức nhiều lớp tập huấn cập nhật các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt với các khu vực miền núi – nông thôn, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước sẽ được lồng ghép thông qua các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã.
Với các hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn, bảo vệ các nguồn nước, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước một cách hiệu quả.
Năm nay, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3, “Hội nghị về Nước của Liên hợp quốc năm 2023”, hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” (2018-2028) sẽ được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ở New York, do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức. Mục tiêu của Hội nghị là thúc đẩy và hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu về nước đã được quốc tế thông qua giai đoạn 2018-2028. |
Bài, ảnh: SONG MINH