Du lịch quốc tế đang trên đà quay trở lại mức trước đại dịch, với số người đi du lịch trong quý đầu tiên của năm 2023 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Đà phục hồi mạnh mẽ
Phong vũ biểu du lịch thế giới của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lần thứ hai trong năm cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của ngành đã tiếp tục vào năm 2023. Theo đó, trong quý đầu tiên năm 2023, lượng khách quốc tế đã đạt 80% so với mức trước đại dịch. Ước tính 235 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 3 tháng đầu năm, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý 1/2023, Trung Đông là điểm sáng của du lịch thế giới khi là khu vực duy nhất có lượng khách tăng 15% so với mức của năm 2019 và là khu vực đầu tiên phục hồi số lượng khách trước đại dịch trong cả quý.
Nhờ nhu cầu mạnh mẽ hậu đại dịch, lượng khách quý 1 tại châu Âu đã đạt 90% mức trước đại dịch. Châu Phi đạt 88%, châu Mỹ đạt 85%. Trong khi đó, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã tăng tốc phục hồi với 54% mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của khu vực dự kiến sẽ tăng tốc mạnh mẽ với việc Trung Quốc đã mở cửa thị trường du lịch trở lại.
Dữ liệu của UNWTO cũng phân tích khả năng phục hồi theo tiểu vùng và theo điểm đến. Theo đó, khu vực phía nam Địa trung hải ở châu Âu và Bắc Phi, cũng đã phục hồi mức trước đại dịch vào quý 1 năm 2023, trong khi Tây Âu, Bắc Âu, Trung Mỹ và Caribbean cũng đã đạt gần mức trước đại dịch.
Dữ liệu sửa đổi cho thấy hơn 960 triệu khách du lịch đi du lịch quốc tế vào năm 2022, tương đương với 2/3 (66%) lượng khách trước đại dịch đã được phục hồi. Số liệu tăng trưởng từ năm 2022 đến nay chứng minh khả năng phục hồi và sức chống chịu của du lịch toàn cầu.
Báo cáo của UNWTO thống kê, doanh thu từ du lịch quốc tế đã tăng trở lại và đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022, tăng 50% về giá trị thực so với năm 2021, nhờ sự phục hồi quan trọng của du lịch quốc tế. Mức chi tiêu của khách quốc tế đạt 64% so với mức trước đại dịch (tính theo giá trị thực, giảm 36% so với năm 2019).
Theo khu vực, châu Âu ghi nhận doanh thu tốt nhất vào năm 2022 với gần 550 tỷ USD (520 tỷ EUR), tương đương 87% so với mức trước đại dịch. Châu Phi đã phục hồi 75%, Trung Đông đạt 70% và châu Mỹ đạt 68% doanh thu trước đại dịch. Do đóng cửa biên giới kéo dài, các điểm đến châu Á chỉ đạt được khoảng 28% mức doanh thu năm 2019.
Nguy cơ với sự phục hồi
Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO đánh giá: “Những tháng đầu tiên của năm nay một lần nữa cho thấy khả năng phục hồi nhất quán của ngành du lịch. Ở nhiều nơi, lượng khách đến gần bằng hoặc thậm chí cao hơn mức trước đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta phải cảnh giác với những thách thức khác nhau, từ mất an ninh địa chính trị, thiếu hụt nhân sự và tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với ngành du lịch. Chúng ta phải bảo đảm lợi nhuận từ ngành du lịch một sẽ có trách nhiệm như một giải pháp cho tình trạng khẩn cấp khí hậu và là động lực của sự phát triển toàn diện”.
Kết quả quý 1 năm 2023 phù hợp với các kịch bản của UNWTO trong năm, dự báo lượng khách quốc tế sẽ phục hồi từ 80% đến 95% so với mức trước đại dịch. Hội đồng chuyên gia của UNWTO bày tỏ sự tin tưởng vào một mùa cao điểm mạnh mẽ (từ tháng 5 đến tháng 8) ở bắc bán cầu, được phản ánh trong Chỉ số niềm tin mới nhất của UNWTO, cho thấy hiệu suất trong giai đoạn này thậm chí còn tốt hơn so với năm 2022.
Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch cũng phải đối mặt với một số thách thức. Theo Hội đồng chuyên gia UNWTO, tình hình kinh tế vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phục hồi hiệu quả của du lịch quốc tế vào năm 2023 khi lạm phát cao và giá dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển và ăn ở cao hơn. Do đó, khách du lịch dự kiến sẽ ngày càng tìm kiếm các điểm đến có chi phí rẻ và gần hơn. Sự không chắc chắn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng địa chính trị gia tăng khác, cũng tiếp tục là những rủi ro tiêu cực với sự phục hồi của ngành du lịch trong năm.