Lương tiếp viên 10 hãng bay lớn nhất Mỹ
Sau đại dịch, các hãng hàng không Mỹ như United và Spirit tăng lương cho tiếp viên và phi công để đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Mặc dù mức lương trung bình cho tiếp viên hàng không ở Mỹ vào khoảng 62.280 USD/năm ngay sau Covid-19, nhưng theo Cục Thống kê lao động, mức lương có thể khác nhau tùy thuộc vào hãng hàng không và mức độ kinh nghiệm của tiếp viên hàng không.
Một số tiếp viên hàng không đã đăng tải mức lương của mình trên các trang web tìm việc làm như Glassdoor và PayScale để giúp các ứng viên tiềm năng hiểu rõ hơn về mức lương của người trong ngành. Mức lương 10 hãng bay Mỹ được đưa ra sau đây là mức trung bình của tất cả các tiếp viên hàng không trong khảo sát lương của Glassdoor và PayScale.
Các tiếp viên hàng không của United Airlines cho biết kiếm được từ 34 – 38 USD mỗi giờ; trung bình mỗi năm 70.927 USD (hơn 1,7 tỉ đồng). Đây được cho là hãng bay trả lương cho tiếp viên cao nhất nước Mỹ. Xếp thứ hai là tiếp viên hàng không của hãng Delta Airlines, khi kiếm được từ 33 – 51 USD một giờ, trung bình hàng năm vào khoảng 70.182 USD (gần 1,7 tỉ đồng).
Hãng trả lương cao trong top 3 là American Airlines, khi trung bình tiếp viên hàng không có được 41 USD mỗi giờ hoặc khoảng 64.000 USD mỗi năm.
Tiếp viên hãng Southwest Airlines thu nhập từ 29 – 35 USD mỗi giờ; trung bình mỗi năm 60.512 USD. Còn tiếp viên hàng không của JetBlue mang về từ 21 – 26 USD một giờ; trung bình mỗi năm 54.286 USD.
Các tiếp viên hàng không của Allegiant Air cho biết trung bình họ kiếm được khoảng 25 USD một giờ; trung bình mỗi năm 51.296 USD.
Những hãng bay có trong danh sách khảo sát mức lương tiếp viên gồm: Spirit khoảng 22 USD một giờ, cả năm 54.896 USD; Frontier Airlines từ 20 – 26 USD/giờ, 54.531 USD/năm; Alaska Airlines từ 27 – 39 USD/giờ, 56.930 USD/năm; Hawaiian Airlines 27 USD/giờ, 57.000 USD/năm.
Tính từ 11.3.2023, mức lương trung bình hàng năm cho một tiếp viên hàng không ở Mỹ là 74.412 USD.
Trong khi đó, tiếp viên hàng không tại hãng bay hàng đầu thế giới Emirates là 4.128 USD mỗi tháng, gần 50.000 USD/năm. Còn tiếp viên hàng không của Japan Airlines kiếm được 25.000 USD/năm hoặc 12 USD/giờ, thấp hơn 41% so với mức trung bình quốc gia cho tất cả các tiếp viên hàng không là 38.000 USD/năm. Đối với tiếp viên hàng không tại Air France, lương vào khoảng 40.175 euro/năm….
Xem nhanh 20h ngày 19.3: Góc nhìn luật sư vụ 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines | Cuộc sống tạm bợ ở Mả Lạng
Công việc cực nhọc nhưng nhiều người theo đuổi
Tại Mỹ, để trở thành tiếp viên hàng không, ứng viên thường cần bằng tốt nghiệp trung học hoặc tương đương và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu về độ tuổi tối thiểu, thường là 18 hoặc 21; đủ điều kiện để làm việc tại Mỹ; có hộ chiếu hợp lệ; và vượt qua kiểm tra lý lịch, kiểm tra ma túy…
Các hãng hàng không Mỹ có chương trình đào tạo thường kéo dài từ 3 đến 6 tuần cho các tiếp viên hàng không. Thông thường, ứng viên sẽ tham gia khóa đào tạo 8 giờ một ngày trong suốt thời gian của chương trình. Khóa đào tạo này chuẩn bị cho ứng viên cách sử dụng mã sân bay, đưa ra thông báo PA, thực hiện các nhiệm vụ công việc thường ngày và xử lý các trường hợp khẩn cấp trên chuyến bay.
Các hãng hàng không ở Mỹ yêu cầu tiếp viên phải là công dân Mỹ, có tư cách thường trú nhân hoặc có thị thực lao động hợp lệ. Nói chung, ứng viên phải từ 18 – 21 tuổi, mặc dù một số hãng hàng không có yêu cầu về độ tuổi tối thiểu cao hơn.
Tuy nhiên, sau khóa huấn luyện, ứng viên phải vượt qua vòng loại để trở thành tiếp viên hàng không. Đó là quá trình cạnh tranh khốc liệt. Theo các trang tư vấn việc làm Mỹ, ước tính có 1 – 1,5 triệu đơn xin việc tiếp viên hàng không trong khi chỉ có 5.000 – 10.000 vị trí công việc.
Thời gian làm việc của một tiếp viên hàng không ở Mỹ được cho là khá nặng nhọc khi dành 65 – 90 giờ trên không và thêm 50 giờ để chuẩn bị máy bay, xử lý hành khách khi lên máy bay và thực hiện các thủ tục sau chuyến bay. Thông thường, tiếp viên hàng không làm việc 12 – 14 giờ/ngày và 65 – 85 giờ bay mỗi tháng, chưa kể tăng ca.
Vụ 4 tiếp viên hàng không ‘xách tay’ ma túy: Nếu khai không biết có thoát được tội?