Thanh Hóa đang bước vào cao điểm mùa hè, nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, các điểm du lịch tâm linh vẫn thu hút đông đảo du khách tham quan, chiêm bái. Đặc biệt là vào các ngày rằm, mùng 1 hoặc thứ 7, chủ nhật, lượng khách đến tham quan càng tăng cao. Do đó, tại các di tích luôn tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các di tích, công tác đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các di tích đã và đang được chú trọng thực hiện.
Du khách tham quan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một điểm du lịch tâm linh thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Chỉ tính riêng từ ngày 28-4 đến 22-5 di tích đã thu hút trên 10.200 lượt khách.
Khu trung tâm di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm trong khu rừng đặc dụng di tích Lam Kinh với diện tích 97 ha, trong đó 60 ha rừng già, 37 ha rừng bổ sung.
Cùng với đó, khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ với diện tích lớn; nằm trong rừng đặc dụng di tích Lam Kinh; giáp ranh liền kề đất sản xuất nông, lâm nghiệp của Nhân dân nên nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực.
Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ: như chính điện, các toà thái miếu, Ngọ Môn, nhà che bia Vĩnh Lăng.
Do đó, Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại Khu di tích.
Cán bộ Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh kiểm tra bình chữa cháy…
Các công trình, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như: bể nước, bình chữa cháy, bình bột, bảng nội quy phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera giám sát… cơ bản được trang bị đầy đủ tại các điểm di tích.
hệ thống bơm nước…
Đặc biệt, chính điện đã được đầu tư hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn, bơm nước chữa cháy hiên đại, hệ thống điện được bố trí an toàn, khoa học. Hệ thống máy phát điện công suất lớn tự động đóng, ngắt luôn duy trì có điện cho khu vực chính điện để đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy.
Hệ thống máy phát điện công suất lớn tự động đóng, ngắt được đầu tư để đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy.
Đồng thời, Ban quản lý đã kiện toàn đội thường trực phòng cháy, chữa cháy và ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an phòng cháy, chữa cháy tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, người lao động và Nhân dân.
Bể nước 30m3 được xây dựng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu.
Là một trong những khu di tích nằm trong rừng đặc dụng nên công tác phòng, cháy chữa cháy luôn là một nhiệm vụ được Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu quan tâm. Cùng với đó, nhiều điểm thuộc khu di tích đang được địa phương quản lý.
Ban quản lý di tích tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy và vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện nghiêm quy định của khu di tích.
Do đó, Ban quản lý đã phối hợp cùng địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ và Nhân dân; tăng cường kiểm tra giám sát hệ thống phòng cháy chữa cháy, nguồn cấp nước chữa cháy, các trang bị phương tiện chữa cháy, hệ thống đường điện, phích cắm để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Bảo vệ di tích thường xuyên kiểm tra hệ thống điện…
… kiểm tra hương, nến đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Thực hiện nghiêm việc tắt đèn, hương, nến khi đóng cửa đền.
Đồng thời, Ban quản lý đã thành lập đội phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, hướng dẫn viên, người trông coi các di tích và Nhân dân.
Luôn có người trực tại điểm đốt vàng mã trong khu di tích đền Bà Triệu để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Bên cạnh các đền thì tại các chùa trên địa bàn tỉnh, công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được quan tâm. Đặc biệt, cuối tháng 5 đang là thời điểm của Đại lễ Phật Đản, thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và Nhân dân đến lễ Phật. Do đó, chư tăng và người bảo vệ tại các chùa đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Bác bảo vệ chùa Thanh Hà kiểm tra bình chữa cháy.
Tại chùa Thanh Hà (TP Thanh Hóa), trong những ngày nắng nóng, các chư tăng và người bảo vệ chùa sẽ tắt hết nến, chỉ thắp hương; đêm đến bảo vệ sẽ kiểm tra hệ thống tắt hết điện, đèn, nến, chỉ thắp nến khi làm lễ; khuyến cáo người dân không thắp hương, nến trong chùa để đảm bảo không để xảy ra cháy nổ.
Chùa Thanh Hà thực hiện tắt nến trong những ngày nắng nóng để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó, hàng năm công an phòng cháy, chữa cháy đều hỗ trợ các chư tăng kiểm tra các bình chữa cháy, hệ thống vòi nước đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.
Dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, cùng với lượng khách đổ về các di tích trong ngày hè ngày càng đông. Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy không được quan tâm, chú trọng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ngành liên quan và các địa phương, ban quản lý các di tích, khu di tích đã chủ động tăng cường kiểm tra giám sát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng.
Thùy Linh