Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Mỹ Lộc đã tích cực thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số hiện đại trong thanh toán, dễ dàng trong sử dụng, với mục tiêu “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Nhân viên Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc giới thiệu các dịch vụ tiện ích trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking cho khách hàng. |
Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc Đặng Minh Tuấn cho biết: “Xác định chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm, tiện ích, thuận tiện cho khách hàng là thước đo hiệu quả, Chi nhánh đã triển khai hàng loạt các tiện ích, ứng dụng của thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Agribank E-Mobile Banking đến người dân, góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn nông thôn”. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19, Chi nhánh vẫn luôn là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số ngân hàng trên địa bàn huyện. Nhiều nhóm dịch vụ của ngân hàng số đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân. Đặc biệt, ứng dụng Agribank E-Mobile Banking của Chi nhánh đã trở thành “chìa khóa” giúp người dân tiếp cận với cánh cửa “ngân hàng số”, đưa các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại nhanh chóng, thuận tiện đến với người dân. Ngoài những thông tin chính về tài khoản, chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng, dịch vụ thẻ (truy vấn thông tin thẻ, chuyển khoản qua số thẻ, phát hành thẻ phi vật lý, khóa thẻ), dịch vụ Agribank E-Mobile Banking còn tích hợp đầy đủ mọi tiện ích thiết yếu của cuộc sống, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của khách hàng như: nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, thanh toán QR Code, đặt vé máy bay, đặt vé tàu xe, đặt vé xem phim, đặt phòng khách sạn, thanh toán tiền điện, nước, phí bảo hiểm, học phí, viện phí, nộp thuế, cước viễn thông… Đặc biệt, Agribank E-Mobile Banking có thêm tính năng gửi tiền trực tuyến, giúp khách hàng gửi tiền tiết kiệm mà không cần phải đến ngân hàng. Tính đến hết tháng 4-2023, số dư tiền gửi trực tuyến tại Chi nhánh đạt 32 tỷ 282 triệu đồng với 1.802 khách hàng.
Hiện tại, Chi nhánh đã phát triển được hơn 13 nghìn tài khoản Agribank E-Mobile Banking, bình quân mỗi tháng có hơn 38 nghìn lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 511 tỷ đồng, phát hành được 14.800 thẻ ATM, 214 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QRCode. Thông qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, Chi nhánh đã triển khai dịch vụ thu hộ học phí cho toàn bộ các cấp trường từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện Mỹ Lộc thông qua phần mềm kế toán của MISA, bình quân mỗi tháng đơn vị thu hộ hơn 1.000 món với số tiền 828 triệu đồng. Các tính năng thanh toán thu hộ, chi hộ các dịch vụ thiết yếu tích hợp trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking được người dân ủng hộ, đánh giá cao với các ưu điểm thao tác dễ dàng, thuận tiện, chính xác, nhanh chóng, tính bảo mật cao. Bình quân mỗi tháng, Chi nhánh thu hộ 387 món thuế cho cá nhân doanh nghiệp với số tiền 3 tỷ 715 triệu đồng; thu hộ 1.475 món tiền điện với số tiền 2 tỷ 167 triệu đồng; thực hiện chi trả lương cho 2.823 cán bộ hưởng lương ngân sách Nhà nước trên địa bàn với số tiền 13 tỷ 961 triệu đồng.
Từ tháng 4-2023, Chi nhánh tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của huyện Mỹ Lộc triển khai dịch vụ chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp, hưởng chính sách an sinh xã hội. Để khuyến khích các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt sang chuyển khoản, Chi nhánh đã miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong cùng hệ thống Agribank trên tất cả các kênh thanh toán; miễn 100% phí đối với khách hàng cá nhân chuyển tiền ngoài hệ thống qua kênh ngân hàng điện tử như: tại ATM, ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking, Agribank E-Banking, miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên hàng năm… Đến nay, có hơn 200 khách hàng hưởng chính sách an sinh xã hội đã mở tài khoản và thẻ, nhận chuyển tiền trợ cấp, lương hưu qua tài khoản. Ông Trần Sỹ Nghi (70 tuổi) ở xóm Mai, xã Mỹ Thắng cho biết: “Tiện ích lớn nhất là tôi không phải lo lắng chuyện phải đến nhận lương hưu định kỳ tại bưu điện. Giờ chỉ cần đến đúng ngày phát lương hàng tháng, tiền sẽ được chuyển thẳng đến tài khoản Agribank E-Mobile Banking và được thông báo bằng tin nhắn trên điện thoại. Tôi không phải lo đi lĩnh lương đúng hẹn, không phải xếp hàng chờ đợi, tiết kiệm được thời gian, sức khỏe, chi phí đi lại, nhất là không sợ thừa, thiếu tiền và không cần phải ủy quyền cho người thân đi lấy hộ mỗi khi có công việc bận”.
Dẫu vậy, việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại huyện Mỹ Lộc vẫn còn gặp không ít khó khăn do tư duy sử dụng tiền mặt đã ăn sâu trong tâm thức của người dân. Tại địa bàn nông thôn, trình độ sử dụng công nghệ hiện đại của người dân còn hạn chế, kiến thức về quản lý tài chính, tiêu dùng của người dân chưa được phổ cập rộng rãi. Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý e ngại, sợ rủi ro, bảo mật không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc tiếp tục nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về tài chính cho người dân bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, phổ biến rộng rãi các lợi ích dịch vụ ngân hàng số đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ hiện đại, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ ngân hàng đảm bảo tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về công nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của khách hàng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn