Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, sau khi nghe báo cáo, báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đoàn ĐBQH tỉnh
Vĩnh Phúc trong ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội ghi nhận từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ.
Tham gia thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho biết, khoản 2 Điều 4 của nghị quyết có nêu: Việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng thủ tục, trình tự trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình, bảo đảm chất lượng hồ sơ, thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết ban hành, tính khả thi của chương trình, cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, thực tế, việc gửi hồ sơ, tài liệu đến các Ủy ban của Quốc hội còn chậm, gây ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, thẩm tra, dẫn đến chất lượng thẩm tra dự án luật chưa cao như mong muốn.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trong khi đó, khối lượng công việc thẩm tra dự án luật của các Ủy ban là rất lớn, vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “bảo đảm tính cân đối, hài hòa công viêc của các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội” vào khoản 3, Điều 4 trong dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng đề nghị bổ sung khoản 5, Điều 4 về trách nhiệm của Chính phủ trong việc không bổ sung dự án vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu thực tiễn để triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra trong đề án định hướng hoặc yêu cầu do nghị quyết, chỉ thị của Đảng mới được ban hành.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thiệu Vũ