Ngày 23/5, tại chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023”, ông Dmitry Kashtanov – Giám đốc Khối Ngân hàng số ABBank chia sẻ, để quản lý tài chính, giới trẻ cần lập kế hoạch cho tương lai, cần xem đâu là việc ưu tiên của mình. Hàng ngày, các bạn cần đưa ra quyết định và xem xét quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngày hôm nay hay trong tương lai dài hơn.
“Hiện nay, để quản lý tài chính, có rất nhiều ứng dụng, website hay cách hỗ trợ quản lý khác, song những người trẻ nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Ví dụ như lập 1 file Excel, trong đó, ghi vào những nguồn thu hay chi của mình, từ đó thấy được thứ bạn nên ưu tiên hay thứ cần phải điều chỉnh”, ông Dmitry gợi ý.
Hay gen Z – giới trẻ hiện nay có thể sử dụng những ứng dụng phổ biến trên mạng để quản lý nguồn tiền của mình. Ông Dmitry lưu ý rằng, việc quản lý nguồn tiền không nên quá phụ thuộc vào công nghệ, những người trẻ nên có suy nghĩ tiết kiệm và quản lý số tiền mình làm ra.
Còn theo ông Lê Xuân Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) chia sẻ, điều quan trọng nhất đối với nhà tài chính hay những bạn sinh viên trẻ tuổi là cần tích luỹ đầu tư. Trong lĩnh vực đầu tư, lãi suất kép tạo nên giá trị rất lớn trong thời gian lâu dài. Theo đó, nếu sinh viên chọn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất 6%/năm, sau 10-12 năm, số tiền nhận được sẽ gấp đôi giá trị đó.
Tuy nhiên, nếu chọn cách đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, tỉ suất sinh lời hoàn toàn có thể lên tới 20-30%. Như vậy, chỉ sau 2-3 năm, tổng tài sản của những nhà đầu tư trẻ sẽ gấp đôi lên. Còn sau 10-20 năm, giá trị tích luỹ có thể lớn hơn nữa.
Theo ông Tùng, cách quản lý tài chính tốt nhất là nên dành ra một khoản đầu tư vào hàng tháng cũng như nâng cao kỹ năng đầu tư của mình. Số tiền này sẽ tách bạch hoàn toàn với khoản chi tiêu hàng ngày, chỉ khi nào cần một việc chi tiêu lớn mới bắt đầu sử dụng số tiền này.
Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, các đề án của Chính phủ và góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…”, bà Sen cho hay.
Chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023 cung cấp cho học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng về tài chính – ngân hàng như cách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, vay vốn, tiết kiệm…
Thông qua chuỗi sự kiện này, giới trẻ được cung cấp các kiến thức về các loại hình sản phẩm trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm, các sản phẩm tài chính đầu tư và sự khác nhau giữa các loại hình này.