Nếu khí hậu ấm lên nghiêm trọng hơn – một kịch bản có thể xảy ra theo các chính sách hiện hành – khoảng 3,3 tỷ người có thể phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt vào cuối thế kỷ này.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Exeter của Vương quốc Anh và Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc tiến hành đã phát hiện ra rằng 60 triệu người đã tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm, đặc trưng bởi nhiệt độ trung bình là 29 độ C (84,2 độ F) hoặc cao hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến một loạt bệnh tật và nguy cơ tử vong. Chúng bao gồm say nắng và tăng thân nhiệt. Nhiệt độ cực đoan cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mãn tính và có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, chất lượng không khí và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và ngoài trời, vận động viên và người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương trước nhiệt độ cao.
Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn mục tiêu của thỏa thuận Paris là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vẫn sẽ khiến 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.
Những người sống ở Ấn Độ, Sudan và một số quốc gia châu Phi đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề dù chỉ mức tăng chỉ là 1,5 độ C. Còn mức tăng là 2,7 độ C sẽ có tác động to lớn đối với các quốc gia như Pakistan, Nigeria và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm như vậy, do “hiệu ứng đảo nhiệt”. Các tòa nhà, đường xá và cơ sở hạ tầng hấp thụ và tỏa nhiệt của mặt trời nhiều hơn, qua đó làm tăng nhiệt độ lên tới 15 độ C ở một số đô thị so với các vùng nông thôn và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Mai Anh (theo DW)