Quảng Ninh hiện có 10.756 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã và 32.951 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước; tỷ lệ vốn trung bình đạt 17 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015. Điều này cho thấy năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và đã phát triển theo hướng bền vững. Để hỗ trợ, đồng hành cùng đội ngũ này ngày càng phát triển thịnh vượng, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế của tỉnh, thời gian qua Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chủ trương xuyên suốt
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Chính vì vậy, đồng hành cùng doanh nghiệp luôn là chủ trương được tỉnh Quảng Ninh quán triệt, xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
Tỉnh đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và giải quyết nợ xấu; thực hiện đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tỉnh cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, có hiệu quả với tài nguyên đất đai theo tinh thần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững; thiết lập cơ chế lắng nghe, kịp thời xử lý vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực thi chính sách pháp luật…
Đặc biệt ghi dấu ấn và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh trong việc dành thời gian gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, để từ đó có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả và kịp thời, nhất là trong 3 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ông Tsai Ching-Hua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Competition Team Technology Việt Nam, chia sẻ: Tôi đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành trong lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và có giải pháp tháo gỡ nhanh nhất… Trong 3 năm đối đầu với dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm lớn của tỉnh. Đó là những chính sách linh hoạt cùng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi cũng cam kết không ngừng nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của Quảng Ninh.
Những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng chính quyền “Liêm chính – Hành động – Phục vụ – Kiến tạo – Phát triển” được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng, trao gửi niềm tin và đồng hành cùng với tỉnh phát triển. Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhận định: Không phải dễ để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận được “5 thật”, “6 dám” (5 thật: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và đo đếm được hiệu quả thật; “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách) nếu các đơn vị, các sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh không quyết liệt hành động vì lợi ích chung. Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện TTHC từ cấp cơ sở của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, tránh việc dồn tụ thành bức xúc và lan rộng. Mô hình trung tâm hành chính công, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được vận hành hiệu quả, giúp thời gian, chi phí của doanh nghiệp trong giải quyết TTHC giảm mạnh. Mô hình “Cà phê doanh nhân” tổ chức định kỳ hằng tháng và hoạt động của Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (Tổ Investor Care) cũng giúp nhiều doanh nghiệp được trao đổi, tìm kiếm giải pháp và giải quyết tận gốc nhiều vấn đề…
Hiện thực hoá khát vọng “đồng thịnh vượng”
Phát biểu tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã khẳng định và đánh giá cao sự đồng hành, đóng góp của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong việc chung tay cùng tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Đồng chí khẳng định, từ niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân ở các chỉ số cạnh tranh, Quảng Ninh sẽ nỗ lực là địa phương đi đầu trong cải cách TTHC, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; kiến tạo niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, ít rủi ro, an toàn. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tổng thể; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng nhu cầu của quy mô nền kinh tế; tiếp tục phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế…
Theo đó, để cùng chung tay xây dựng, phát triển Quảng Ninh, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ. Cụ thể trong năm 2023 tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số toàn diện để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Về phía các doanh nghiệp đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Điều này tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Cùng với việc tháo gỡ và giải quyết khó khăn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang đảm bảo duy trì ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu, sản xuất và phân phối điện; đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết thủ tục pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ đất, vật liệu san lấp để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Qua đó doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong quý I/2023, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng góp gần 8.300 tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng thu nội địa. Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch. Qua đó, quý I/2023, tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,06%. Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp đứng số 1 về chỉ số PCI từ năm 2017-2022, dẫn đầu các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PAPI.
Với kết quả này, một lần nữa cho thấy sự nỗ lực, cũng như tin tưởng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào những chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng để đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và luôn đặt người dân, cộng đồng doanh nghiệp là trọng tâm phát triển.
Đặc biệt, mới đây tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023, trên cơ sở thẳng thắn và tinh thần xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã tham gia ý kiến, thảo luận, trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Theo đó, đã có 13 ý kiến từ doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh một số quy hoạch liên quan đến hạ tầng vận tải; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác GPMB, triển khai các dự án đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo PCCC tại các doanh nghiệp; đề nghị đầu tư năng lượng thay thế là điện mặt trời, gió, tái sử dụng nước thải tại các KCN…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đề nghị các ngành, đơn vị liên quan áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong quá trình giải quyết các nội dung kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp là nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết. Tại hội nghị, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng được nghe tỉnh Quảng Ninh công bố các chương trình hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng giải pháp công nghệ. Hàng tháng sẽ có phiên Cafe số, tư vấn miễn phí trên nền tảng số để cung cấp thông tin, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; cung cấp chữ ký số miễn phí trong tham gia giải quyết TTHC cho các doanh nghiệp… Về lâu dài, tỉnh đang nghiên cứu để xây dựng Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ cơ sở kinh doanh chủ động và phát triển bền vững đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là nền tảng, động lực quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả tỉnh.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, nhấn mạnh: Sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương thời gian qua là động lực to lớn để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, sản xuất kinh doanh khởi sắc trở lại, phát triển ngày một mạnh mẽ hơn. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp trong nắm bắt, đề xuất, kiến nghị biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp thành viên để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất; đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của tỉnh.