Đau khớp, đau lưng dưới, cứng cơ bắp… là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi và có thể kiểm soát bằng cách chăm vận động, ăn uống lành mạnh.
Quá trình lão hóa làm tăng nguy cơ đau cơ xương khớp và chấn thương. Đau khớp và đau lưng dưới là hai loại bệnh xương khớp phổ biến ở người từ 55 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng có thể khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ té ngã, dẫn tới gãy xương. Dưới đây là những bệnh xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi, các phương pháp phòng ngừa và điều trị.
Đau khớp
Một số nguyên nhân gây đau khớp phổ biến ở người lớn tuổi gồm: rách chóp xoay (chấn thương khớp vai); cứng và đau khớp xảy ra khi dây chằng và gân bị mất nước, hoặc khi sụn (đệm giữa các xương) bị hỏng; các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp; bệnh gout; thoái hóa khớp…
Điều trị đau khớp tùy thuộc vào nguyên nhân và từng cá nhân. Người lớn tuổi có thể chỉ cần nghỉ ngơi, giảm cân, giữ thói quen tập luyện nhẹ nhàng, thường xuyên như: đi bộ, đạp xe, bơi lội. Một số trường hợp nặng hơn cần phải dùng thuốc, thực hiện vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Đau lưng dưới
Dù đau thắt lưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi già đi. Theo các nghiên cứu, có tới 75% người trên 60 tuổi bị đau thắt lưng, cản trở cuộc sống hàng ngày, thậm chí dẫn đến tàn tật. Nguyên nhân phổ biến nhất là viêm khớp cột sống, xảy ra khi các khớp ở cột sống xấu đi theo thời gian. Một số nguyên nhân khác gây đau lưng dưới ở người lớn tuổi bao gồm: hẹp ống sống thắt lưng (hẹp ống sống); gãy đốt sống do loãng xương (gãy xương do triệu chứng loãng xương, tình trạng xương yếu và giòn); nhiễm trùng cột sống; khối u.
Điều trị đau lưng dưới phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau nhưng bác sĩ có thể khuyên người bệnh sử dụng thuốc giảm đau kết hợp vật lý trị liệu, tập thể dục… hay phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa ở cổ tay (dây thần kinh chính đi từ nách đến bàn tay) bị chèn ép hoặc nén. Người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, có nhiều khả năng mắc hội chứng ống cổ tay hơn những người trẻ tuổi. Cách điều trị gồm đeo nẹp, tránh các cử động và hoạt động làm tăng triệu chứng, dùng thuốc giảm sưng và giảm đau, phẫu thuật hay tập yoga.
Đau đầu gối
Chấn thương và xương khớp hao mòn có thể gây đau đầu gối. Viêm xương khớp, thừa cân hoặc béo phì cũng có khả năng ảnh hưởng đến đầu gối ở người lớn tuổi, khiến các cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Đau đầu gối có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu hoặc giảm cân (nếu thừa cân hoặc béo phì).
Cứng cơ bắp
Khi con người già đi, các mô nối cơ với xương bị mất nước, gây cứng và đau cơ. Quá trình lão hóa cũng dễ khiến hoạt động thể chất trở nên khó khăn hơn, dẫn đến cứng cơ và đau. Vật lý trị liệu và tăng hoạt động thể chất chậm, cẩn thận có thể hỗ trợ điều trị chứng cứng khớp.
Viêm gân
Viêm gân cũng là một trong những tình trạng phổ biến ở những người lớn tuổi. Điều trị bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, đeo băng hỗ trợ và tránh cử động cũng như thực hiện các hoạt động làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Việc điều trị đau trở nên phức tạp hơn theo tuổi tác do khả năng mắc nhiều bệnh và sử dụng thuốc men ở người lớn tuổi tăng lên. Nếu bị đau, người lớn tuổi nên tìm kiếm sự chăm sóc từ các bác sĩ chuyên khoa để tìm cách giảm triệu chứng, điều trị cơn đau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Gãy xương
Mỗi năm, có hàng triệu người lớn tuổi bị ngã dẫn tới gãy xương, ảnh hưởng đến khả năng vận động lâu dài, sức khỏe tổng thể. Thậm chí, những người từ 70 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn sau khi bị ngã. Các chuyên gia khuyên mọi người sau khi bị ngã cần giữ bình tĩnh và ngăn ngừa chấn thương thêm bằng cách hít thở sâu, giữ yên vị trí, đánh giá tình trạng của bản thân và kiểm tra các chấn thương trước khi di chuyển. Tiếp theo, nếu không có vết thương nào và vẫn cử động được, người bệnh có thể di chuyển bằng tay và đầu gối, chuyển sang ngồi ghế. Nếu không thể di chuyển, cần gọi người giúp đỡ hoặc gọi cấp cứu.
Dù có thể tự đứng dậy sau khi bị ngã, người già vẫn nên tới gặp bác sĩ để kiểm tra chấn thương cũng như gãy xương (nếu có). Điều trị gãy xương gồm: đeo nẹp, bó bột… tùy thuộc vào vị trí gãy và mức độ nghiêm trọng.
Cách tốt nhất để hạn chế té ngã dẫn tới gãy xương ở người lớn tuổi là sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: gậy, khung tập đi, tay vịn… trong các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, một số cách giúp xương chắc khỏe gồm: thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung canxi và vitamin D; vận động phù hợp; tránh xa thuốc lá…
Hải My (Theo Very Well Health)