Không thể thiếu ngoại ngữ, ngoại hình…
Là ngành nghề đặc thù nên yêu cầu đối với nhân viên hàng không mà cụ thể là tiếp viên cũng không kém phần đặc biệt.
Điều kiện đầu tiên để trở thành tiếp viên hàng không là phải đạt tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, có khuôn mặt ưa nhìn, giọng nói nhẹ nhàng, không có dị tật, hình xăm, sẹo hay những đặc điểm không phù hợp với ngành dịch vụ. Đối với nam, thông thường các hãng hàng không ở Việt Nam yêu cầu chiều cao từ 1,65m – 1,82m, độ tuổi từ 18 – 30, có cân nặng phù hợp với chiều cao. Đối với nữ, tùy từng hãng hàng không có yêu cầu khác nhau, nhưng thấp nhất phải đạt chiều cao 1,58m và không vượt quá 1,75m. Cũng giống như với các bạn nam, nữ tiếp viên hàng không phải có cân nặng phù hợp với chiều cao.
Một số hãng hàng không trên thế giới như Mỹ, Nhật… không yêu cầu tiếp viên hàng không phải quá xinh đẹp mà lại đặc biệt chú trọng tới sự thân thiện, vui vẻ, nhanh nhẹn, sức khỏe và giàu kinh nghiệm. Ở Việt Nam, gần như 100% nữ tiếp viên hàng không của tất cả các hãng bay đều có ngoại hình thường được ví như hoa hậu. Thực tế, cũng có nhiều á hậu của các cuộc thi sắc đẹp hay hoa khôi các trường đại học đã “đầu quân” cho các hãng bay và đang khoác trên mình bộ đồng phục tiếp viên hàng không.
Đáng chú ý, dù luôn được xếp vào danh sách những nghề “danh giá” nhưng tiếp viên hàng không không bị đòi hỏi trình độ văn hóa hay yêu cầu học vấn quá cao, chỉ cần tốt nghiệp THPT trở lên. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ đặc biệt quan trọng. Các tiếp viên hàng không ở Việt Nam cần có bằng TOEIC tối thiểu 550 điểm hoặc chứng chỉ TOEFL paper (550), TOEFL ibt (61), TOEFL cbt (173), IELTS (5.0). Vì thế, hiện nay vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo tiếp viên hàng không tại các trường đại học và cao đẳng nhưng các bạn muốn theo ngành này thường sẽ chọn khối D (toán, văn, Anh).
Khi tiến hành tìm ứng viên, các hãng hàng không chỉ đòi hỏi về tiêu chuẩn ngoại hình, ngoại ngữ rồi tiến hành đào tạo tiếp viên hàng không theo quy tắc riêng của họ, thời gian kéo dài từ 3 – 4 tháng. Để có thể phù hợp làm tiếp viên hàng không, những bạn theo học các chuyên ngành liên quan đến du lịch, khách sạn, ngoại ngữ… thường có nhiều lợi thế.
Hiện nay, nghề tiếp viên hàng không thu hút ngày càng nhiều các bạn trẻ, đẩy tỷ lệ chọi lên cao đến khó tin. Tỷ lệ tiêu hao trung bình ở mức 92 – 95%, nghĩa là trung bình trong số 100 người nộp đơn, chỉ có 5 – 8 người trở thành tiếp viên. Ở các hãng hàng không quốc tế lớn như Emirates hay Qatar, con số này còn “khủng khiếp” hơn. Như vào năm 2014, Emirates Airlines nhận được hơn 256.000 đơn ứng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không của họ nhưng cuối cùng chỉ có 5.000 ứng viên được chọn, nghĩa là chỉ có 1,95% ước mơ trở thành sự thật, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 5,2% người trúng tuyển Đại học Harvard khóa 2021.
Ở Việt Nam, tỷ lệ chọi này “dễ thở” hơn một chút. Lượng thí sinh được các hãng hàng không tuyển sẽ phụ thuộc vào số lượng hãng cần trong thời điểm đó. Đơn cử, gần tết hoặc trước các mùa cao điểm du lịch thì các hãng sẽ tuyển số lượng nhiều hơn hoặc mở nhiều đợt tuyển hơn.
Xem nhanh 20h ngày 18.3: Khổ vì bị gán ghép thành tiếp viên hàng không | Sự thật ngôi nhà 1 tỉ/m2
Sức hút nằm ở đâu?
Như Thanh Niên đã khảo sát, thu nhập bình quân của tiếp viên các hãng hàng không tại Việt Nam dao động từ 16 – 26 triệu đồng/tháng, tùy hãng và tùy vị trí công việc. Tiếp viên 5 sao hoặc tiếp viên trưởng có thể đạt thu nhập tới 70 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, để đạt được mức thu nhập như vậy, họ phải chấp nhận lịch trình làm việc dày đặc, thậm chí khi mới vào nghề có thể khiến các bạn trẻ bị ngợp.
Các tiếp viên phải có mặt ở sân bay trước tầm 1 – 2 giờ tùy từng chuyến bay quốc nội hay quốc tế; không chỉ chăm sóc hành khách trên máy bay mà còn “hàng tỉ tỉ” công việc không tên như phụ khách hàng đẩy hành lý, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong suốt hành trình bay. Phần lớn thời gian của tiếp viên hàng không là ở trên máy bay. Ở các nước phương Tây, nghề tiếp viên hàng không còn được xếp vào nghề nguy hiểm do tính chất công việc phải thường xuyên hoạt động trong môi trường máy bay bị giới hạn nhiều về không gian không khí để thở.
Công việc vất vả, yêu cầu ngặt nghèo, quá trình đào tạo khắt khe, nhưng vì sao nghề tiếp viên hàng không vẫn cứ “hot”?
Theo khảo sát của các trung tâm hướng nghiệp, bên cạnh thu nhập thì lý do khiến các bạn trẻ luôn mơ ước trở thành tiếp viên hàng không là bởi muốn trở thành hình mẫu lí tưởng trong mắt mọi người. Trên mỗi chuyến bay, các tiếp viên luôn gây ấn tượng bởi ngoại hình sáng, thần thái chuyên nghiệp. Đồng phục của họ cũng đa dạng về mẫu mã, thiết kế, tạo nên sự bắt mắt, thu hút ánh nhìn. Hình ảnh nữ tiếp viên hàng không duyên dáng, chuyên nghiệp đã trở thành “thỏi nam châm” hút ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều bạn trẻ.
Cùng với đó, chưa cần biết lịch trình bay thế nào nhưng làm tiếp viên chắc chắn sẽ được đặt chân tới rất nhiều vùng đất mới. Không chỉ trên những chuyến bay nội địa, tiếp viên hàng không còn có cơ hội khám phá nhiều nền văn minh ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng như kết bạn bốn phương. Những trải nghiệm mới mẻ giúp cuộc sống của các bạn trẻ trở nên phong phú hơn. Hay đơn giản, cuốn passport kín trang cùng những bức hình “check-in” khắp nơi trên thế giới cũng đủ mang đến sức hấp dẫn khó cưỡng.
Hơn thế nữa, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng, là nơi rèn giũa phẩm chất, tác phong, giúp các bạn trẻ ngày càng hoàn thiện và có được nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Những tiếp viên “quá tuổi” còn có thể được chuyển sang các hoạt động thương mại hoặc làm việc trong các cơ quan đại diện của hãng ở nước ngoài.
Nếu may mắn và đủ trình độ ứng tuyển vào các hãng hàng không lớn trên thế giới như Emirates thì những tiếp viên hàng không không chỉ được nhận mức lương như mơ, mà còn có cuộc sống đáng ghen tị với nhiều đặc quyền như: Có nhà ở miễn phí ở Dubai; nhận thẻ giảm giá hoặc miễn phí tại hàng trăm điểm ăn uống, giải trí, khách sạn tại UAE…
Vụ 4 tiếp viên hàng không ‘xách tay’ ma túy: Nếu khai không biết có thoát được tội?