MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sắp xếp hội nghị thượng đỉnh khác với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương trong năm nay, sau khi ông chủ Nhà Trắng hủy chuyến thăm Papua New Guinea để tập trung vào cuộc khủng hoảng trần nợ công trong nước.
Mỹ vừa mở đại sứ quán tại Tonga hôm 10-5.
Thông tin do Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ khi được hỏi rằng liệu việc Tổng thống Biden sớm trở lại Washington (từ Nhật Bản) có mang lại lợi thế cho Trung Quốc ở khu vực hay không. Đối với vấn đề này, ông Sullivan lạc quan cho biết nhu cầu của các đảo quốc Thái Bình Dương hợp tác với Mỹ có dấu hiệu tăng cao. Và sắp tới, Nhà Trắng đang lên lịch cho hội nghị thượng đỉnh khác. Tuy không xác định thời gian cụ thể, ông Sullivan khẳng định Washington đang từng bước chuẩn bị như một phần trong tiến trình thúc đẩy hợp tác với khu vực.
Theo kế hoạch đã công bố, Tổng thống Biden đến Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ ngày 19 đến 21-5. Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó có chuyến thăm Papua New Guinea và tiếp theo là Úc, nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ). Nhưng với sức ép cần xử lý vấn đề trần nợ công, chuyến công du châu Á của Tổng thống Biden buộc phải rút ngắn và ông sẽ trở về Washington từ hội nghị G7 để thảo luận với Quốc hội biện pháp ngăn chính phủ vỡ nợ. Tin tức này ngay lập tức khiến các bên thất vọng, đặc biệt là người dân Papua New Guinea.
Được biết, chặng dừng chân dự kiến khoảng 3 tiếng đồng hồ của ông Biden tại thủ đô Port Moresby là chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Papua New Guinea. Do đó, công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đã bắt đầu từ 6 tháng trước, bao gồm kế hoạch đóng cửa không phận quốc gia cũng như ấn định ngày 22-5 tới là ngày nghỉ lễ để người dân có thể chào đón Tổng thống Mỹ. Trước đó, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape xác nhận trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden, hai bên sẽ ký thỏa thuận về hợp tác quốc phòng và giám sát hàng hải. Tuy nhiên, các nhóm đối lập quan ngại hiệp ước an ninh với Mỹ có thể chọc giận Bắc Kinh và đẩy Port Moresby vào thế kẹt giữa 2 cường quốc.
Bước lùi của Mỹ
Theo các nhà phân tích, quyết định hủy chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Papua New Guinea là đòn giáng mạnh vào uy tín Mỹ ở khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương. Đây cũng là bước lùi của Washington trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại nơi mà Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện an ninh lớn hơn.
Các hòn đảo ở Thái Bình Dương trải rộng trên diện tích biển 40 triệu km2 và là nơi có các tuyến hàng hải huyết mạch, cũng như các tuyến cáp ngầm quan trọng nối Mỹ với các đồng minh Úc, Nhật Bản. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm khu vực này 3 lần, bao gồm chuyến thăm Papua New Guinea năm 2018. Sau khi đạt được hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon năm ngoái, Bắc Kinh tiếp tục vận động một thỏa thuận trên phạm vi rộng bao gồm thương mại tự do, hợp tác an ninh và ứng phó thảm họa với 10 nước Thái Bình Dương khác. Song, nỗ lực đóng vai trò lớn hơn trong khu vực của Trung Quốc bị chậm lại sau khi Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia cảnh báo các đảo quốc Thái Bình Dương không nên ký hiệp định này, vì lo ngại có thể châm ngòi cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tuy cảnh giác trước Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trước đây cũng từng than phiền về thái độ của Mỹ trong khu vực, thậm chí nghi ngờ khả năng tái can dự của Washington. Như để biện minh, Cố vấn Sullivan nói rằng khu vực rất lưu tâm đến thực tế là chính quyền Mỹ hiện tại đã làm được nhiều hơn đối với các đảo quốc Thái Bình Dương so với trước. Đây cũng là một phần trong chiến lược của Washington nhằm xác lập vị thế cao ở khu vực trước các bước tiến của Trung Quốc. Điều này đã được phản ánh qua tiến bộ gần đây của chính quyền Tổng thống Biden trong đổi mới các hiệp ước chiến lược với Micronesia và Palau, mở thêm đại sứ quán, giành quyền tiếp cận độc quyền các khu vực chiến lược rộng lớn ở Thái Bình Dương.