Bài 4: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 – 1975)
– Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại các thế lực xâm lược và bè lũ tay sai.
Tại Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát động đợt học tập chính trị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; tổ chức phát động quần chúng bước vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế – xã hội trong hoàn cảnh mới.
Củng cố khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội
Năm 1955, toàn tỉnh tổ chức phát động giảm tô đợt 8 ở 51 xã thuộc Văn Uyên, Ôn Châu, Bằng Mạc, Cao Lộc, Lộc Bình và thị xã Lạng Sơn; trợ giúp các hộ nông dân thiếu đói 40 tấn thóc, 70.000 m vải; tổ chức các lớp học về chủ trương thành lập Khu tự trị Việt Bắc; tổ chức các lớp học văn hóa ở hầu hết các vùng nông thôn, thị xã, thị trấn; triển khai công tác sửa sai.
Từ năm 1956, huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang sáp nhập về thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 23/2/1960, tỉnh Lạng Sơn vinh dự và tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đã ân cần nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh. Bác biểu dương “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã anh dũng đánh giặc, cứu nước giữ làng. Từ ngày hòa bình trở lại, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”.
Từ năm 1961 – 1965, tỉnh Lạng Sơn mở hàng trăm ki – lô – mét đường dân sinh, cơ cấu sản xuất được hình thành với các vùng chuyên canh, ngành cơ khí sản xuất được hàng vạn công cụ cải tiến, các địa phương đều có những chuyển biến mới.
Thanh niên xung phong và Nhân dân huyện Chi Lăng sửa đường bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại tại thị trấn Đồng Mỏ năm 1972 – Ảnh: Cố nhà báo Vũ Bách
Đến cuối năm 1965, tổng số đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh có gần 1.500 km. Diện tích lúa chiêm được tưới tiêu là 1.428 ha, diện tích lúa mùa được tưới tiêu là 22.960 ha; tỷ lệ các hộ dân trong toàn tỉnh vào hợp tác xã lên 80%. Ngành bưu điện sửa chữa và lắp đặt được 16 trạm máy mới. Tổ chức được 200 trạm bưu chính khu vực, 12 trạm truyền thanh, có gần 3.000 loa kim loại; tổ chức được 120 đội tuyên truyền lưu động, 14 đội chiếu bóng lưu động; xây dựng được 160 trạm y tế cơ sở.
Năm 1966 nhiều hợp tác xã trong tỉnh đạt năng suất 5 tấn lúa/ha; toàn tỉnh hoàn thành 120 công trình thủy điện nhỏ với công suất gần 2.000 KW; ngành lâm nghiệp trồng được 3.000 ha rừng; chăm sóc gần 2.000 ha cây thuốc lá và hàng nghìn héc ta cây chè.
Cuối tháng 11/1968, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, đồng chí Lê Duẩn tới thăm Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Cao Lộc – nơi có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi, trồng cây của tỉnh.
Đến cuối năm 1970, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 53.649 ha, sản lượng thu được hơn 80.000 tấn lương thực; xây dựng được 9 bệnh viện tuyến huyện; tất cả các huyện đều đã có trường phổ thông cấp III.
Năm 1974, sản lượng lương thực tăng 7% so với năm 1972, phong trào thâm canh, xen canh, tăng vụ lúa, hoa màu được nhân rộng; trồng mới được 22.000 ha rừng tập trung và tu bổ được 12.000 ha rừng.
Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Theo thống kê trong cuốn sách “Lạng Sơn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xuất bản năm 1995, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn có trên 27 nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, hơn 3,4 nghìn người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại các chiến trường; hơn 1,4 nghìn người trở về với những thương tật, những mảnh bom, đầu đạn và chất độc hóa học trong cơ thể… Với đóng góp to lớn về sức người, sức của, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân Lạng Sơn đã cùng với cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc. Hưởng ứng phong trào thi đua trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban hành chính tỉnh, các phong trào thi đua “Ba Sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ba điểm cao”, “Ba giỏi” và phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa… diễn ra sôi nổi rộng khắp.
Ngày 20/9/1965, máy bay Mỹ chính thức bắn các mục tiêu dọc quốc lộ 1A và đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội. Đại đội phòng không 101 pháo cao xạ đã bắn rơi 01 máy bay phản lực. Ngày 5/10/1965, lưới lửa phòng không pháo cao xạ của bộ đội và của các đơn vị dân quân chiến đấu ở thị xã, Chi Lăng và Hữu Lũng bắn cháy 02 máy bay phản lực của Mỹ. Tiểu đội dân quân xã Tân Thành (Huyện Hữu Lũng) bắn rơi “Thần sấm” F105. Ngày 1/12/1965, tiểu đội nữ dân quân Quang Lang (Chi Lăng) bắn rơi 1 máy bay phản lực của Mỹ.
Du kích xã Quang Lang, huyện Chi Lăng bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh – Ảnh: Cố nhà báo Vũ Bách
Ngày 1/6/1966, đơn vị phòng không cầu Sông Hóa bắn rơi 1 máy bay địch. Trong các ngày 20 và 21/6/1966 và ngày 5/7/1966, nhiều tốp máy bay phản lực của địch ném bom ác liệt khu vực Sông Hóa và Đồng Bành, các đơn vị phòng không bắn rơi 2 máy bay địch ở cầu Sông Hóa. Ngày 11/7/1966, quân và dân ta bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ. Tháng 11/1966, các đơn vị pháo cao xạ dũng cảm đẩy lùi nhiều đợt công kích của địch, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4H của giặc Mỹ. Năm 1967, ta bắn rơi 1 chiếc F4 ở ga Voi Xô.
Ngày 11/5/1972, máy bay Mỹ đánh phá các địa bàn thuộc khu vực phía nam tỉnh Lạng Sơn. Ngày 12/5/1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Giải tỏa hàng hóa và điều hòa vận tải của tỉnh. Đến cuối tháng 5/1972, toàn tỉnh giải tỏa được gần 30.000 tấn hàng hóa các loại ở các kho hàng của Trung ương tới các địa điểm an toàn, tiện lợi cho bảo quản và vận chuyển.
Thực hiện vai trò của một tỉnh hậu phương cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, trong hai đợt tuyển quân năm 1972, toàn tỉnh động viên được 3.300 thanh niên lên đường nhập ngũ. Ngoài ra, tỉnh còn tuyển thêm được 800 công nhân quốc phòng, thành lập thêm được 3 đội thanh niên xung phong, bổ sung cho yêu cầu phục vụ chiến đấu và giải tỏa hàng hóa trên địa bàn của tỉnh.
Tiểu đoàn Bắc Sơn tích cực huấn luyện để bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam – Ảnh: Cố nhà báo Vũ Bách
Từ tháng 5/1972, Lạng Sơn được Trung ương giao cho nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển hàng hóa, bảo đảm giao thông và hoàn thành đường ống dẫn dầu qua địa bàn tỉnh. Cùng với quân và dân miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn tập trung mọi nguồn lực vừa chiến đấu, vừa tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của “cảng nổi” kiên cường, tiếp nhận, vận chuyển kịp thời hàng hóa, đặc biệt là vũ khí, khí tài, đạn dược, cung cấp kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(Còn nữa)