Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho rằng, tạo “vaccine số” cho trẻ em là cần thiết, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nội dung độc hại trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nga nêu quan điểm, cần giáo dục trẻ cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn để tránh nguy cơ sa vào những “hố đen” trên thế giới ảo. (Ảnh: NVCC) |
Trẻ em ngày càng tiếp cận nhiều hơn với mạng xã hội. Bà đánh giá như thế nào về những cạm bẫy, rủi ro trên không gian này đối với trẻ?
Bên cạnh thông tin tích cực, hữu ích, có không ít thông tin tiêu cực chưa được kiểm soát tốt trên mạng xã hội, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm, bạo lực, ma túy, hành vi tiêu cực… Những trẻ em sử dụng điện thoại hàng ngày rất dễ tiếp cận loại thông tin này, dẫn tới hậu quả là suy nghĩ và hành động lệch lạc.
Bên cạnh đó, tình trạng phát tán thông tin riêng tư, bắt nạt trực tuyến ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, khiến cho trẻ rơi vào tình trạng lo âu, hoảng sợ, thậm chí có trường hợp dẫn đến tự tử.
Thêm nữa, tình trạng dụ dỗ, lôi kéo trẻ em vào các hành vi quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, hành vi vi phạm pháp luật, hay tình trạng nghiện mạng xã hội, game, Internet ảnh hưởng rất lớn sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của trẻ em…
Từ thực trạng đó, theo tôi, cần giáo dục trẻ cách ứng xử thông minh, sử dụng mạng xã hội an toàn để tránh nguy cơ sa vào những “hố đen” trên thế giới ảo. Muốn vậy, cần cung cấp cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Nói cách khác, cần tạo “vaccine số” cho trẻ em, để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước những nội dung độc hại trên môi trường mạng.
Hiện nay, nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng phức tạp, khó lường. Gia đình phải làm sao để bảo vệ trẻ?
Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con em mình. Do vậy, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục đạo đức, nhân cách, quyền trẻ em; tạo môi trường an toàn, tránh tai nạn thương tích cho trẻ, đồng thời, phòng ngừa nguy cơ trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt dẫn đến bị xâm hại.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chấp hành các biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Hơn thế nữa, phụ huynh cần quan tâm, trò chuyện, động viên, khuyến khích trẻ em truy cập vào những trang web có nội dung lành mạnh. Đồng thời, hướng dẫn cho con em mình thời gian, phương thức tham gia mạng. Cảnh báo những nguy cơ trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng và cách thức xử lý.
Bên cạnh việc trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng để không bị “lạc” trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì?
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin… Điều 54 của Luật Trẻ em quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Việt Nam và các nước ASEAN thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019); Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).
Bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em trên môi trường mạng nói riêng là một vấn đề liên ngành, cần sự phối hợp chung tay của nhiều ngành và của toàn xã hội. Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ biết tự bảo vệ mình.
Các tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Để trang bị những kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, rất cần những bộ tài liệu, phương pháp, hình thức truyền thông, nâng cao nhận thức phải đa dạng, thật cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ em. Quan trọng nhất là công tác phối hợp liên ngành cần đồng bộ và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường.
Cần bộ lọc các video xấu, độc hại trên mạng xã hội cho trẻ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Những khuyến nghị cụ thể của bà để bảo vệ cũng như giúp các em tương tác lành mạnh trên môi trường này?
Để trẻ em không trở thành nạn nhân, gặp những rủi ro trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng và tiên quyết. Ở đây chính là việc tạo cho trẻ em thói quen, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, giúp các em biết tận dụng những lợi thế, kho tài nguyên vô tận trên mạng nhưng cũng biết cách phòng tránh những rủi ro, nguy cơ rình rập.
Thêm vào đó, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế.
Hơn nữa, cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. Đồng thời, cần giúp trẻ biết cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân.
Điều quan trọng nhất của mọi giải pháp là hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao để chủ động hướng dẫn con cách tìm kiếm, sử dụng thông tin, hình ảnh phù hợp.
Cần công cụ lọc video xấu, độc hại đối với trẻ em“Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung trên mạng, giúp các em không bị ‘phơi nhiễm’ trước thông tin xấu, độc. Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như chưa có công cụ chặn lọc nào”. Bà Đinh Thị Như Hoa (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin-Bộ Thông tin và Truyền thông) |