Hình ảnh giả mạo về một vụ nổ tại Lầu Năm Góc nhanh chóng lan truyền trong thời gian ngắn và gây tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ trong khoảng 10 phút vào ngày 22.5 (giờ địa phương).
Theo AFP, vụ việc làm gia tăng thêm lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây nhiều vấn đề rắc rối cho xã hội.
Hình ảnh mà nhiều người nghi là được AI tạo ra đã lan truyền bởi một số tài khoản, buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải lên tiếng khẳng định rằng không hề có vụ nổ nào như thế.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng đây là thông tin sai và Lầu Năm Góc hôm nay không bị tấn công”, theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ.
Sở cứu hỏa Arlington (bang Virgina) cũng lên tiếng trên mạng xã hội, khẳng định rằng không hề có vụ nổ hay sự cố gì xảy ra tại Lầu Năm Góc hay khu vực lân cận.
Trước đó, AI cũng được dùng để tạo nhiều ảnh giả và gây xôn xao trong thời gian gần đây, như việc giả mạo rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác phao hàng hiệu.
Chính phủ các nước chạy đua tìm cách quản lý công cụ AI
Công nghệ AI tiên tiến giúp những người không chuyên dễ dàng tạo ra những hình ảnh thuyết phục chỉ trong chốc lát, thay vì cần chuyên gia sử dụng những chương trình như Photoshop.
Hình ảnh giả mạo vụ nổ tại Lầu Năm Góc khiến thị trường chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, với chỉ số S&P 500 sụt giảm 0,29% so với thời điểm đóng cửa ngày 19.5, trước khi hồi phục.
“Có sự sụt giảm liên quan đến tin tức giả mạo này khi các máy (giao dịch) phát hiện thông tin, nhưng tôi cho rằng phạm vi của sự suy giảm chưa đúng với bản chất có vẻ xấu của tin tức giả mạo”, theo chuyên gia Pat O’Hare tại trang Briefing.com.