Bạc LiêuÔng Võ Văn Út, 68 tuổi, ở huyện Phước Long, tiên phong nuôi cá chình trong bể xi măng, mỗi năm lãi gần hai tỷ đồng.
Các đây nhiều năm, khi còn làm bí thư Huyện ủy Hồng Dân, thấy mô hình nuôi cá chình hiệu quả, ông Út đào hai ao rộng khoảng 2.000 m2 trên đất nhà nuôi thử nghiệm. Ban đầu việc nuôi đem lại hiệu quả khá cao, nhưng về sau bộc lộ hạn chế, hao hụt cá hơn 50%, ông không có lãi.
Ông tìm hiểu nguyên nhân, nhận ra rằng cá chết do nguồn giống không tốt. Trước đây, giống cá chình chủ yếu dùng nguồn cá đánh bắt ngoài tự nhiên, chất lượng không đảm bảo. Từ đó ông quyết tâm làm chủ được con giống để cung cấp cho gia đình và nông dân trong vùng.
Đầu tiên ông chủ động liên kết Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 ở Nha Trang để chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chình giống trong bể xi măng về địa phương, được nông dân hưởng ứng. Các đơn vị chuyên môn ở huyện hoàn thiện quy trình chuyển giao kỹ thuật cho bà con.
Sau khi nghỉ hưu năm 2015, có nhiều thời gian, ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để ươm cá chình giống trọng lượng khoảng 200 con mỗi kg lên thành cỡ 20 con mỗi kg, nuôi trong bể xi măng. Nhiều người không tin cá chình có thể sống “trên cạn”, cho rằng việc làm của ông là điên rồ. Do cách nuôi trong bể quá mới lạ, ông mất gần hai năm mới nhân giống cá thành công.
Trang trại của ông đã nhập cá chình giống bạc tử (6.500 con mỗi kg) từ Philippines với giá hơn 1.000 USD mỗi kg về ươm nuôi thành cá giống loại lớn. “Việc ươm nuôi thành công con giống cỡ lớn giúp nông dân hạn chế được khoảng 50% hao hụt so với việc mua cá giống từ tự nhiên”, ông Út nói.
Cơ duyên nuôi cá chình thương phẩm đến với ông khá bất ngờ. Trong lần xuất cá chình giống, ông chừa lại hai con để nuôi, không ngờ cá phát triển rất tốt, chỉ vài tháng mỗi con nặng hơn 6 kg. Điều này chứng minh việc nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng khả thi, song đòi hỏi quy trình chặt chẽ.
Niềm tin nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng càng được củng cố sau khi ông sang Hàn Quốc tiếp cận công nghệ nuôi hiện đại trong nhà kính. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Út rút ra kinh nghiệm để nuôi cá trong bể thành công quan trọng nhất phải làm sạch môi trường nước. Người nuôi phải trang bị hệ thống cung cấp oxy, thường xuyên lọc và thay nước trong bể để không làm bẩn môi trường khiến cá nhiễm bệnh.
Ông Út kết hợp nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp và cá rô phi cắt nhỏ. Sau khi nuôi một năm rưỡi, cá đạt trọng lượng khoảng 20 con mỗi kg trở lên, người nuôi có thể cho cá ăn hoàn toàn bằng cá rô phi. Việc này giúp tiết kiệm chi phí bởi đây là loại cá có nhiều ở địa phương với giá khá rẻ.
“Đây là mô hình đòi hỏi sự tỉ mỉ và bỏ nhiều công sức”, ông Út nói, cho biết so với ao đất, nuôi cá chình ở bể có ưu điểm kiểm soát được nguồn nước và mầm bệnh, không cần diện tích lớn. Trang trại của ông hiện có 6 bể xi măng (mỗi bể khoảng 50 m2) nuôi cá chình thương phẩm và khoảng 4 bể ươm cá giống.
Mỗi năm cơ sở của ông Út xuất bán hàng chục tấn cá thương phẩm với giá 450.000-550.000 đồng mỗi kg. Cá chình giống được ông bán với giá gần hai triệu đồng mỗi kg loại 20 con, khách phải đặt hàng trước. Tổng số tiền lãi từ nuôi cá mỗi năm ông thu về gần hai tỷ đồng. Ông đang có ý định mở rộng cơ sở để đáp ứng nhu cầu con giống cá chình chất lượng cho nông dân trong vùng.
Cá chình thuộc họ cá da trơn, da dày, thân tròn, dài 40-50 cm, nhìn giống lươn hoặc rắn biển. Đây là loài khả năng thích nghi cao, có thể sống ở nước ngọt, mặn và lợ. Thịt cá ngọt và béo, chế biến được nhiều món ngon, tốt cho sức khoẻ.
An Minh