TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ ngày 13.5 tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, có 2 chùm ca bệnh ngộ độc botulinum thuộc 3 gia đình.
Chùm ca 4 người đã ổn định
Trong đó, chùm ca bệnh thứ nhất, có 4 người trong một gia đình gồm 3 trẻ em và một người lớn bị ngộ độc do ăn bánh mì kèm chả lụa từ người bán hàng rong ngày 13.5. Trong đó, người lớn ăn với lượng ít nên chỉ có một số triệu chứng ngộ độc như rối loạn tiêu hóa, không diễn tiến yếu liệt chi, hiện tại đã hồi phục hoàn toàn. 3 em nhỏ được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. 3 bé đều được sử dụng thuốc kháng độc tố, giải độc botulinum. Hiện 1 bé đã hồi phục hoàn toàn, 2 bé diễn tiến thở máy.
“Do có 1 em ăn với lượng quá nhiều nên mức độ độc nặng hơn, dù đã được dùng thuốc BAT nhưng vẫn chuyển sang giai đoạn thở máy. May mắn, nhờ có thuốc giải độc, diễn tiến lâm sàng nhẹ nhàng, 3 em đều hồi phục, trong đó 2 em thở máy có cải thiện về sức cơ, hy vọng sẽ hồi phục và cai máy thở trong những ngày tới”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Chùm ca thứ hai, 3 người liệt hoàn toàn
Ngày 13.5, 2 bệnh nhân là anh em ruột có ăn bánh mì chả lụa. Sau đó đến ngày 14.5 có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng. Ngày 15.5, 2 người này có triệu chứng nặng hơn, nhìn đôi, đau cơ, nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bệnh nhân thứ 3 là nam 45 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Người này cho biết có ăn một loại mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn.
Hiện 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 – 1,5, tức bị liệt hoàn toàn.
Theo bác sĩ, trong trường hợp có thuốc giải độc BAT, khi bệnh nhân yếu liệt thì đây là thời điểm hiệu quả để thuốc phát huy tác dụng. Thuốc sẽ có tác dụng kháng độc tố, trung hòa chất độc, khiến bệnh ngưng tiến triển.
Hiện nay trong điều kiện khan hiếm thuốc giải độc BAT, 3 bệnh nhân được điều trị hỗ trợ gồm thở máy và nuôi dưỡng. Thời gian thở máy có thể trung bình từ 3-6 tháng.
Bác sĩ Hùng cho biết, ngộ độc botulinum không phải là hiếm gặp, kể cả ở những quốc gia phát triển. Ví dụ tại Mỹ, là nơi các vấn đề an toàn thực phẩm rất được chú trọng, nhưng mỗi năm người ta vẫn ghi nhận dao động từ 150 đến 300 ca ngộ độc botulinum. Còn ở Việt Nam trước đây chúng ta ít có khả năng để chẩn đoán, cho tới những năm gần đây việc xét nghiệm phát hiện ngộ độc botulinum giúp phát hiện nhiều ca bệnh.
Phòng ngừa ngộ độc botulinum
Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.