Người dân mua sắm tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Theo bà Hiền, 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8 %; trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%.
“Theo đánh giá, hiện sức mua của thị trường trong nước đã tăng, nhưng mức tăng chưa cao, chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân. Đây là lý do Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm mức thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước”, bà Hiền nêu rõ.
Bà Nguyễn Thuý Hiền chia sẻ thêm, khi thuế VAT giảm, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ.
Hơn hết, khi tiêu dùng trong nước phát triển sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong năm 2023.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký tờ trình gửi Quốc hội với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Theo Tờ trình, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.