Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, việc phòng chống thiên tai theo phương châm “Từ ứng phó đến hành động sớm”, tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Phương châm này cũng chính là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2023 (từ ngày 15 – 22/5).
Địa phương từ chủ động phòng ngừa…
Mặc dù trong những năm qua, các hình thái thiên tai xảy ra khác nhau gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần giúp người dân ứng phó hiệu quả, giảm bớt thiệt hại thiên tai.
Được nhận định là một trong những cơn bão mạnh trong 20 năm qua, bão số 4 (bão NORU) xảy ra trong tháng 9/2022 đi nhanh, đổ bộ vào đất liền vào ban đêm. Để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với cơn bão này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã ban hành 33 tin chính thức, 44 tin nhanh bổ sung. Cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Nghệ An là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai đặc trưng cho khu vực duyên hải miền Trung như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, lốc, sét.
Riêng trong năm 2022, tại Nghệ An xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, làm chết 12 người, bị thương 01 người, 100 nhà bị sập, 990 nhà bị hư hỏng, 322 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt đợt lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn gây nên hậu quả hết sức nặng nề… Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.
Chia sẻ về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết ngay trước mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt chú ý tới công tác di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở cao. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được thực hiện theo 3 bước: An toàn về người, tài sản; ổn định cuộc sống; phát triển lâu dài.
Ngay sau các đợt thiên tai, tỉnh Nghệ An đã thành lập các đoàn công tác để chỉ đạo khắc phục hậu quả; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục giao thông và quan điểm của tỉnh là tuyệt đối không để người dân đói, rét, không có chỗ ở.
Tương tự, là một tỉnh miền núi, Hòa Bình hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan và có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và hạ tầng.
Theo ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, từ đặc thù này, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, tính chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của nhân dân. Tỉnh xác định rõ, việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đã và đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
… đến sẵn sàng ứng phó linh hoạt
Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương đã chú trọng đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn tập trung thực hiện biện pháp “nông, lâm kết hợp” để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất; phê duyệt và tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; rà soát các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở, lũ quét để lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Nam Định tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm về đê điều. Các đơn vị lực lượng vũ trang như Quân đội, Biên phòng, Công an chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể, nhất là phương án tìm kiếm cứu nạn, sơ tán dân, bảo đảm an ninh trật tự và khắc phục hậu quả thiên tai.
Còn tại Trung Bộ, thành phố Đà Nẵng tập trung triển khai giai đoạn 2 dự án đầu tư, nâng cấp âu thuyền Thọ Quang, trong đó mở rộng thêm công suất neo đậu, tránh trú bão, đồng thời lên phương án sớm về chống sạt lở, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng gần đồi núi, chủ động các biện pháp chống ngập úng đô thị kip thời và phù hợp.
Những giải pháp trên đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đánh giá cao. Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2023 vừa diễn ra tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thiên tai được dự báo trong năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong công tác phòng ngừa thiên tai; tập trung triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai quyết liệt hơn, đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với các địa phương, ngoài việc dành nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cần lưu ý đến yếu tố ứng phó với thiên tai và có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai xảy ra.