06:30, 21/05/2023
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, bà Đoàn Thị Thanh Cần tham gia cách mạng từ thuở thiếu thời.
Dũng cảm, gan dạ, lại “lanh, lì, liều” và rất mưu trí, thông minh, năm 1965, khi mới 15 tuổi, là nhân viên y tá, bà đã một mình đột nhập, bí mật cài mìn, đánh sập đồn Cồn Hữu (nay là trụ sở UBND phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Với thành tích ấy, bà vinh dự trở thành người đầu tiên của nước ta được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 18/11/1966, tròn 16 tuổi, Trưởng ban Y tế xã Hòa Quý Đoàn Thị Thanh Cần được kết nạp Đảng.
Tháng 8/1969, Ban Chỉ huy Khu đội 3 Hòa Vang tập kích sân bay Nước Mặn, gây cho địch nhiều thương vong, tổn thất. Khi các lực lượng của ta đã rút đi, bà Cần bất chấp hiểm nguy, xung phong ở lại hầm bí mật chăm sóc, cứu chữa thương binh. Do có gián điệp chỉ điểm, bà bị địch bắt và đưa ra Hạm đội 7 trên biển. Biết đây là Việt cộng “thứ dữ”, chúng tìm mọi cách tra khảo, song bà luôn giữ vững khí tiết cách mạng, quyết không phản bội, xưng khai. Sau khi đánh đập, mổ bụng, cắt ruột, cắt buồng trứng, cắt gân chân của bà, thấy bà thoi thóp, chúng liền đưa về Nhà xác Duy Tân (khu vực Bệnh viện Quân y 17, Cục hậu cần Quân khu 5 ngày nay) để nằm chờ chết theo cách đau đớn nhất.
Trong lúc đi tuần qua dãy nhà xác tối tăm này, một người lính Việt Nam cộng hòa tình cờ nghe được những tiếng thở khò khè, yếu ớt đã lấy hết can đảm đẩy cửa, lật tấm vải trắng lên để kiểm tra. Thấy người con gái nhỏ, trạc tuổi các con mình đang nằm yên hấp hối, lòng trắc ẩn trỗi dậy, ông Hai Cân – người lính phía bên kia chiến tuyến vội đi lấy khăn ấm lau rửa, băng bó vết thương, rồi nấu cháo, đút từng thìa cho bà Cần.
Bà Đoàn Thị Thanh Cần kể chuyện chiến đấu cho thế hệ trẻ hôm nay. |
Hai hôm sau, biết tin nhà xác chuẩn bị đưa các tử thi không có người thân đến nhận đi chôn cất, ông Hai Cân nói với bà: “Nếu con tin tưởng chú thì nói cho chú biết địa chỉ của gia đình. Chú sẽ liên hệ để người thân đến đón con”. Cảm nhận được lương tri, tình người và sự chân thật của ông Hai Cân, bà Cần thều thào dặn: “Chú ra tiệm ảnh Phụng Ký ở đường Hùng Vương (đoạn gần Nhà hát Trưng Vương, TP. Đà Nẵng hiện nay) gặp bà Phạm Thị Hòa, bà ấy sẽ giúp cháu”. Sau “chiến dịch” giải cứu đặc biệt (ông Hai Cân cho bà Cần vào một chiếc quan tài giả, có lỗ thông hơi, đặt dưới sàn xe và xếp những chiếc quan tài thật lên trên để qua mắt bọn lính canh), bà Cần được người của ta đưa lên khu vực Hòa Cầm rồi chuyển dần ra Hà Nội. Do vết thương quá nặng, tổ chức quyết định đưa bà sang Trung Quốc, Liên Xô để tiếp tục điều trị song cũng chỉ cải thiện được phần nào.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, câu chuyện về nữ chiến sĩ quân y Việt Nam dũng cảm, can trường bị quân địch hành hạ, tra tấn dã man được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ngưỡng mộ và cảm phục. Từ nước Đức, Bệnh viện Charité đã thuê hẳn nột chiếc chuyên cơ với đầy đủ thiết bị y tế đến Việt Nam, đón bà Cần sang chăm sóc, chữa trị vết thương. Từ đoạn ruột, mảnh gân của một cô gái người Đức không may tử nạn do trượt tuyết, ca phẫu thuật kéo dài suốt nhiều giờ đã đưa bà Cần thoát khỏi cửa tử. Song lúc này, bà vẫn chỉ có thể tự lết chứ vẫn chưa đi lại bình thường được. Ở Đức được một thời gian, nhớ quê da diết, bà nằng nặc xin về lại Việt Nam. Kiên trì, bền bỉ tập đi, dần dần bà đã có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình khiến các y, bác sĩ, những người từng điều trị cho bà cũng phải ngạc nhiên, khâm phục.
Sau ngày giải phóng, bà Cần được UBND TP. Đà Nẵng giao phụ trách công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Thấy cuộc sống của bà con ở vùng cao còn quá khó khăn, bà thường xuyên đứng ra quyên góp, vận động, ủng hộ, giúp đỡ họ, nên ai cũng thương, cũng quý. Phương tiện đi lại của bà khi đó, chủ yếu là những chuyến xích lô giá rẻ. Và trong một lần đi làm từ thiện ở Đà Nẵng, bà Cần đã nhận ra một người đạp xích lô chính là ông Hai Cân – người lính gác ở nhà xác Duy Tân từng cứu mạng mình. Sau đó, nhờ sự giới thiệu, bảo lãnh của bà Cần, ông Cân và bốn người con trai được nhận vào làm công nhân bốc vác ở Cảng Tiên Sa, tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả, nhưng thu nhập đã cao hơn hẳn so với đi đạp xích lô. Nhớ ơn cứu mạng, ngày ông Cân nằm viện điều trị ung thư giai đoạn cuối, bà Cần thường xuyên túc trực, bón cho ông từng chén cháo, thìa cơm. Khi ông nhắm mắt xuôi tay, bà cũng trực tiếp đứng ra lo liệu như một người thân ruột thịt của gia đình.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, năm 2017 bà Cần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 73, sức khỏe giảm đi nhiều, nhưng ngày ngày bà vẫn cùng đồng đội, bạn bè chung tay ủng hộ, giúp đỡ người nghèo; cựu chiến binh, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam; xây trường, mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao, vùng căn cứ cách mạng. Với bà, đó chính là niềm vui và hạnh phúc lớn lao.
An Khang