Nỗi lo về rủi ro mất thu nhập
Theo chị Nguyễn Thị Hạnh – một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết, trong thời gian gần đây, nhận thấy Chính phủ tập trung phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) nên gia đình chị cũng tìm hiểu với mong muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình.
Tuy nhiên, qua tính toán, với mức thu nhập của hai vợ chồng là khoảng 18 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca. Chị Hạnh cho biết mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu chấp nhận vay mua NƠXH. Bởi theo tính toán, trừ đi những khoản tiền sinh hoạt phí và tiền học cho đứa con trai, mỗi tháng vợ chồng chị Hạnh chỉ có thể để ra tối đa là 7 triệu đồng.
“Nếu gia đình hai bên không có sự cố phát sinh, công việc được ổn định không có sự thay đổi, gia đình không gặp rủi ro, ốm đau bệnh tật thì đều đặn hàng tháng tôi cũng để ra được số tiền 7 triệu. Nếu tăng ca thì số tiền để ra có thể hơn. Nhưng số tiền ban đầu hai vợ chồng để ra không được nhiều, nếu vay tối đa 80% thì mỗi tháng sẽ phải trả hết sạch số tiền tích cóp nếu mua căn nhà khoảng 1,2 tỷ dù có được vay gói ưu đãi, thậm chí là còn phải cắt xén tiền sinh hoạt để chi trả khoản vay”, chị Hạnh nói.
Ngoài ra, chị Hạnh cũng lo ngại bởi thị trường việc làm đang có nhiều rủi ro. Mới đây nhiều công ty trong ngành may mặc, giống như công việc chị đang làm cũng đã phải thông báo cắt giảm công nhân vì thiếu đơn hàng. Nếu bị mất việc trong lúc đang vay nợ thì đó quả thực là một gánh nặng lên gia đình.
Đây cũng là mối ngại mà anh Minh Thắng, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội đang lo ngại. Anh Thắng cho biết, với mức lương chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng và khoảng 5 triệu tiền thu nhập tự do, thực sự rất khó để có thể mua một căn NƠXH nếu không có sự giúp đỡ từ người thân, gia đình. Do vẫn còn độc thân, mức lương 9 triệu đối với anh Thắng cũng đủ chi trả cho các khoản phí sinh hoạt và tiền thuê trọ.
Với số tiền để ra mỗi tháng chỉ vỏn vẹn từ 3-4 triệu đồng, tùy thuộc vào khoản thu nhập bên ngoài mỗi tháng, sẽ rất khó để trả cho một khoản vay lên tới gần 1 tỷ đồng, với những dự án NƠXH như NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa bốc thăm mở bán.
“Chi phí sinh hoạt ngày một tăng, lương cũng tăng nhưng không theo kịp. Vì thế tôi chưa từng nghĩ sẽ mua một căn nhà riêng cho mình. Chưa kể đến loại nhà giá rẻ như NƠXH bây giờ còn có giá cao chót vót”, anh Thắng chia sẻ.
Thậm chí là còn chưa nghĩ đến việc phải vượt qua vòng bốc thăm thế nào, nhiều lao động với mức lương đủ điều kiện mua NƠXH luôn có nhiều nỗi lo khi nghĩ đến việc phải nhận một khoản nợ lớn để mua nhà. Một số ý kiến cho rằng, nếu việc phát triển mạnh các dự án NƠXH có thể khiến giá nhà giảm xuống, đồng thời các chính sách vay ưu đãi có mức lãi suất tốt hơn, thời hạn dài hơn để khoản phải trả mỗi tháng không quá lớn thì có thể nhiều lao động sẽ có thể dễ dàng tiếp cận các dự án này.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, mặc dù có phương án thúc đẩy phát triển NƠXH nhưng nguồn cung của loại hình này còn rất ít so với nhà ở thương mại. Chưa kể đến việc tiếp cận thông tin mua, thuê NƠXH ở thị trường sơ cấp cũng rất hạn chế, thậm chí là còn bị đẩy giá bởi các dịch vụ môi giới.
Còn nhiều bất cập về điều kiện lựa chọn người được mua
Trả lời về những bất cập trong điều kiện được mua NƠXH, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM từng cho rằng, hiện có nhiều điểm nghẽn liên quan đến NƠXH, trong đó có điểm nghẽn về xác định đối tượng được mua.
Theo đó, về điều kiện thu nhập, nếu người lao động đạt đến mức đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua NƠXH. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng cũng không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Ngoài ra còn nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các điều kiện được đặt ra hiện nay khó đáp ứng được đúng đối tượng. Thậm chí có nhiều tình trạng lách luật hoặc đối tượng nộp hồ sơ mua không phải người thu nhập thấp. Như những ngày vừa qua, nhiều thông tin cho thấy có những người đi ô tô đến nộp hồ sơ mua NƠXH hay một số trường hợp sở hữu nhiều lô đất nhưng vẫn thuộc diện được mua, vì trong luật chỉ quy định về nhà ở, chưa quy định về sở hữu đất. Những người này cũng thường không sử dụng NƠXH cho mục đích ở thực nếu được mua, thay vào đó họ sẽ tìm cách sang nhượng dưới hình thức ủy quyền hoặc cho thuê.
Với những bất cập đó đã làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển NƠXH dành cho người thu nhập thấp và các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế đô thị có liên quan. Có lẽ cũng vì những sự bất cập đó mà NƠXH chưa phát huy được tầm quan trọng với nhiều người. Chưa kể những bất cập gặp phải trong việc phát triển các dự án NƠXH có giá thấp, phù hợp với người lao động trong những năm qua.
Điều đó được thể hiện qua số liệu của Bộ Xây dựng, cụ thể trong năm 2022, nhà ở thương mại cả nước có 126 dự án mới với 55.732 căn hộ được cấp phép, chỉ bằng khoảng 52,7% so với năm trước. Đối với dự án NƠXH, cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành.
Trong khi đó, nhu cầu NƠXH trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch. Riêng tại TP HCM, trong giai đoạn 2015-2020, chỉ có 15.000 căn hộ NƠXH được đưa ra thị trường, chỉ bằng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Năm 2022, TP HCM cũng có kế hoạch triển khai xây dựng 10 dự án với 6.751 căn hộ, nhưng chỉ hoàn thành được một dự án với 260 căn. Trong khi đó, có đến 9 dự án, với quy mô khoảng 6.500 căn hộ vẫn đang còn dang dở.
Các vấn đề nói trên đang là một bài toán thách thức với chiến lược phát triển NƠXH trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu có nhà cho người thu nhập thấp, đặc biệt là các đối tượng lao động phù hợp điều kiện mua, cần sớm khắc phục những bất cập đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ trong thời gian qua.