CÁT XÂY DỰNG VÀ CÂU CHUYỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT “CHÍN RỒNG”
Nguồn cát phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, tình hình khai thác cát trái phép lại đang diễn biến phức tạp. Đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển kinh tế – xã hội và sự bền vững cho ĐBSCL đang là “bài toán” khó hiện nay.
Hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn xảy ra tại nhiều khu vực gây bức xúc trong nhân dân.
DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh và địa phương đã nỗ lực trong đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) là khu vực người dân phản ánh tình hình khai thác cát trái phép diễn ra nhiều.
Mới đây, vào ngày 10-4, Công an xã Tân Phong đã bắt quả tang 2 đối tượng cùng phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền, đoạn thuộc ấp Tân Thái, xã Tân Phong.
Còn tại khu vực cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Cụ thể, vào tối ngày 13-4, Công an xã Ngũ Hiệp bắt quả tang 2 phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép trên tuyến kinh Năm Thôn và sông Tiền.
Lực lượng chức năng của huyện Tân Phú Đông thời gian qua đã bắt và xử lý nhiều vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. |
Tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) thời gian qua cũng diễn ra thường xuyên. Lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhiều vụ khai thác cát trái phép tại khu vực này.
Mới đây, vào khoảng 23 giờ 15 phút ngày 4-5, tại khu vực sông Tiền (thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho), Công an TP. Mỹ Tho phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện thủy nội địa vỏ sắt (không biển số) do Phan Văn Tèo (sinh năm 2003, ngụ huyện Tân Phước) trực tiếp điều khiển và người đi cùng là Nguyễn Song Nước (sinh năm 1978, ngụ huyện Châu Thành).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cả 2 đang thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi từ lòng sông Tiền lên khoang của phương tiện mà không có giấy phép khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Qua đo đạc thực tế, khối lượng cát, sỏi khai thác trái phép trên khoang phương tiện là 6,75 m3.
Việc Nhà nước mạnh tay, quyết liệt với tình trạng khai thác cát trái phép, doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ”.
GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ –
|
Còn tại khu vực cù lao Tân Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông) cũng là nơi thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân. Mới đây, vào khoảng 22 giờ ngày 22-4, Tổ công tác Công an xã Tân Thạnh tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Cửa Đại (đoạn qua ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh) phát hiện ghe gỗ đang có hành vi khai thác cát trái phép.
Qua làm việc ban đầu, cơ quan Công an xác định người điều khiển phương tiện là Phan Văn Phải (ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện này đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép được khoảng 15 m3. Tài công không xuất trình được giấy đăng ký, đăng kiểm và giấy phép điều khiển phương tiện.
Thượng tá Hồ Thanh Hoài, Phó Trưởng Công an huyện Tân Phú Đông cho biết, chỉ từ ngày 20-3 đến ngày 30-4, Tổ công tác liên ngành đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát trên địa bàn huyện đã tuần tra phát hiện 13 vụ (26 đối tượng) vi phạm. Đồng thời, lực lượng Công an cũng giải tán lượng lớn sà lan (chuyên vận tải) đang chờ mua cát không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc. Kết quả, cơ quan Công an đang thụ lý 8 vụ (16 đối tượng) về tiêu thụ khoáng sản (cát san lấp) không có nguồn gốc hợp pháp, tạm giữ 205,15 m3 cát san lấp.
KHÓ KHĂN TRONG XỬ LÝ
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông) vẫn diễn biến phức tạp.
Hoạt động vi phạm tập trung nhiều tại đoạn sông thuộc các địa bàn như: Xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho; xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây; các xã Tân Thới, Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông; các xã Ngũ Hiệp, Tân Phong, huyện Cai Lậy; các xã Hòa Hưng, Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Điều này đã được dư luận và nhân dân có đơn thư phản ánh.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh, xử lý của các cấp, các ngành chức năng vẫn còn hạn chế, chưa triệt để. Số vụ phát hiện kiểm tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình, diễn biến của hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra.
Lực lượng Công an bắt quả tang 1 phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực cù lao Thới Sơn. |
Từ năm 2022 đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ. Tổng số tiền xử phạt gần 18 tỷ đồng; tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính là 7,587 triệu m3 cát san lấp. Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, trong quý I-2023, lực lượng Công an đã khởi tố 2 vụ khai thác cát trái phép; hiện đang hoàn thiện hồ sơ khởi tố thêm 1 vụ khác. Bên cạnh đó, ngành Công an cũng đang giám sát 141 đối tượng và 110 phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép.
Theo UBND tỉnh, dự báo thời gian tới, do nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông rất cao, trong khi các quy định pháp luật, công tác quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập chưa được hoàn thiện, điều chỉnh, nên tình hình khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi dòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc mở đợt cao điểm tấn công hoạt đông vi phạm pháp luật này. Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh và địa phương (cấp huyện và cấp xã) cũng lập kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trong khoảng thời gian từ trước, trong và sau Lễ 30-4, 1-5.
|
Tuy nhiên, việc đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, đối tượng khai thác cát trái phép thuê những người có hoàn cảnh rất khó khăn, không có tài sản để thực hiện khai thác cát.
Mỗi đêm, chủ khai thác cát trả tiền công, còn các phương tiện tàu, ghe khai thác cát trái phép thì hợp đồng thuê để khi lực lượng chức năng bắt giữ thì không thu giữ được tàu, ghe đó.
Sau đó, lực lượng chức năng buộc phải trả lại phương tiện tàu, ghe đó cho chủ phương tiện. Khi bị phạt hành chính, người làm thuê lại không có khả năng để đóng tiền phạt. Cụ thể, lực lượng Công an chỉ thu được hơn 10/19 tỷ đồng từ tiền xử phạt hành chính, người vi phạm chỉ đóng khoảng 1 tỷ đồng, còn 9 tỷ đồng còn lại đa phần là đối tượng làm thuê không có tiền để đóng phạt.
Bên cạnh đó, những đối tượng khai thác cát trái phép còn thuê người giám sát, canh lực lượng của các cơ quan thực thi pháp luật về khoáng sản. Khi lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, người giám sát sẽ cảnh báo đến các tàu khai thác cát trái phép.
Ngoài ra, trang bị phương tiện của cơ quan chức năng không hiện đại bằng các tàu khai thác cát trái phép, từ đó khó khăn trong vấn đề xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. “Để xử lý về hành vi khai thác cát, cơ quan chức năng phải có chứng cứ, chứng minh việc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc việc khai thác cát có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên… mới đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự” – Đại tá Nguyễn Văn Lộc thông tin thêm.
H. LONG – A. THƯ
(còn tiếp)
.