Cách đây 90 triệu năm, loài khủng long Chucarosaurus diripienda dài gần 30 m từng sống ở khu vực ngày nay là Patagonia, Argentina.
Các nhà cổ sinh vật học ở Argentina phát hiện hóa thạch của một con khủng long cổ dài khổng lồ kích thước khoảng 90 m sống cách đây 90 triệu năm, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Cretaceous Research số tháng 6/2023. Việc kiểm tra con khủng long đồ sộ này không hề dễ dàng. Hóa thạch của titanosaur, loài lớn nhất trong số những con khủng long cổ dài, nặng đến mức gây ra tai nạn giao thông khi nhóm nghiên cứu vận chuyển mẫu vật tới Buenos Aires để kiểm tra kỹ hơn.
“Sức nặng của con khủng long ăn cổ khiến xe mất thăng bằng và gây ra tai nạn”, Fernando Novas, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bernardino Rivadavia tại Buenos Aires và Hội đồng nghiên cứu quốc gia Argentine (CONICET), cho biết. “May mắn là không ai bị thương nặng. Xương của con khủng long này văng ra và không bị hư hỏng do quá cứng. Ngược lại, bộ xương làm vỡ mặt đường nhựa”.
Tai nạn đó truyền cảm hứng cho tên khoa học của con khủng long là Chucarosaurus diripienda. Trong tiếng bản xứ Quechua ở địa phương, “Chucaro” có nghĩa là “con vật cứng rắn và bất khuất”, trong khi từ gốc Latinh “diripienda” có nghĩa là “rối loạn”.
Năm 2018, các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch C. diripienda nằm phân tán và bị chôn vùi một nửa trên ngọn đồi ở vùng thảo nguyên Patagonia tại tỉnh Río Negro. Hóa thạch bao gồm 7 chiếc xương khác nhau từ chi trước, xương hông và chân sau. Chúng nặng đến mức cần tới vài người nâng để di chuyển từng chút một, theo Novas.
Sinh sống vào giữa kỷ Phấn Trắng, C. diripienda nặng khoảng 27 – 36 tấn. Tuy nhiên, nó còn kém xa loài khủng long lớn và đồ sộ nhất như Patagotitan, Argentinosaurus hay Notocolossus, nặng khoảng 63,5 tấn. Trong khi đó, loài khủng long dài nhất trong lịch sử là Supersaurus sống cách đây khoảng 150 triệu năm ở Tây Mỹ, dài hơn 39 m. Chiếc cổ dài cho phép C. diripienda ăn lá cây ở trên ngọn. Chiếc đuôi dài của nó cũng là vũ khí hiệu quả để chống lại đòng tấn công của khủng long ăn thịt lớn.
An Khang (Theo Live Science)