Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 2 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động lĩnh vực công thương. Thực hiện Quyết định số 1469/QÐ-UBND phê duyệt Chương trình HTPL liên ngành cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Công thương đều ban hành kế hoạch HTPL liên quan đến lĩnh vực ngành.
Xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết: “Ðể tạo điều kiện thuận lợi, giúp DN, nhất là DNNVV trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Sở luôn quan tâm cập nhật, đăng tải, giới thiệu những nội dung mới các VBQPPL của Trung ương, của tỉnh trên website của Sở, đặc biệt là liên kết trang Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau (http://pbgdpl.camau.gov.vn/); Hệ thống VBQPPL trên Trang Công báo tỉnh Cà Mau, gồm các VBQPPL của UBND tỉnh và Chính phủ, các Bộ, ngành và tư liệu chuyên ngành của Sở là các VBQPPL ngành công thương do Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh ban hành, giúp DN, nhất là DNNVV tra cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến công tác HTPL cho DN; tiếp nhận và kịp thời giải đáp phản ánh, kiến nghị của DN.
Ngành công thương tạo điều kiện cho các DNNVV trong tỉnh tham gia kết nối cung cầu hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Cùng với thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Sở Công thương đẩy mạnh nhiều hình thức nhằm giúp DN trình bày khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý và các vấn đề liên quan, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các chương trình gặp gỡ DN, hợp tác xã, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở đều chủ động, tích cực đồng hành cùng DN để tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.
Ðồng thời, hàng năm, Sở Công thương đều tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (CPTPP, EVFTA…) với sự tham gia của Hiệp hội DN, DN. Qua đó, cung cấp thêm các thông tin mới nhất về diễn biến tình hình kinh tế thế giới và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp các DN nâng cao năng lực hội nhập, tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thách thức từ hội nhập quốc tế mang lại, để tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, Sở kịp thời nắm tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới, diễn biến, nhu cầu thị trường quốc tế để cung cấp đến DN thông tin, nhất là trong thời gian tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ðiển hình một số thông tin như: Trung Quốc kiểm soát đầu vào đối với virus Sars-CoV-2 trên hàng thực phẩm nhập khẩu; Công văn số 5067/BCT-XNK ngày 20/8/2021 của Bộ Công thương về việc xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc…; thường xuyên cung cấp các thông tin, quy định thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đến DN để biết, thực hiện và chủ động trong việc tận dụng tốt cơ hội, lợi thế để có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá phù hợp.
Nhiều hoạt động cụ thể
Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tăng cường kỹ năng, kiến thức kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tích cực hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh theo chức năng của ngành; xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng hiệu quả, thiết thực, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh. Thông qua các hội chợ triển lãm thương mại, các hội nghị kết nối giao thương, hỗ trợ DN từng bước giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, kết nối được đại lý phân phối tại một số thị trường trong nước.
Được Sở Công thương hỗ trợ, nhiều DN nhỏ và vừa trong tỉnh có cơ hội tham gia kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Dương Vũ Nam thông tin: “Phần lớn DN ngành công thương hoạt động quy mô nhỏ, Sở đã chủ động hỗ trợ về công nghệ thông tin, tư vấn; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Sở đã hỗ trợ 11 website thương mại điện tử; các sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh (madeincamau.com; voso.vn; postmart.vn) thu hút các hộ kinh doanh, DN, cơ sở sản xuất tham gia với trên 203 gian hàng của 203 nhà cung cấp sản phẩm trên địa bàn tỉnh”.
Cũng theo ông Dương Vũ Nam, đa số các DN không có bộ phận pháp chế để tham mưu thực hiện các quy định pháp luật có liên quan, các DNNVV, nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế. Phần lớn DN chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi phí gián tiếp như: chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thoả đáng. Do đó, đối với các quy định pháp luật mới được ban hành chưa được cập nhật, bổ sung thực hiện kịp thời.
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực pháp lý cho DNNVV, về vai trò của pháp chế DN, cách thức kiểm soát rủi ro pháp lý trong hoạt động của DN; đổi mới cách tiếp cận và HTPL cho DN. Hỗ trợ DN các vấn đề pháp lý trong giải quyết các tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của DN; hỗ trợ DN theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
Ông Dương Vũ Nam nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh truyền thông đối với công tác HTPL cho DN đến cộng đồng DN, nhất là truyền thông rộng rãi những mô hình hay, điển hình tốt trong việc HTPL cho DN, để các DN thấy được tính thiết thực, hiệu quả của Chương trình HTPL của tỉnh nói chung và của Sở Công thương nói riêng”./.
Phúc Duy