Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 Trung ương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Thông tin được Phó thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo với Quốc hội sáng 22/5, khi trình bày tình hình ngân sách Nhà nước năm 2022 và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2023.
Theo Phó thủ tướng, kinh tế xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, “đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác”.
Thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này liên tục phải lùi. Tại kỳ họp tháng 11/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Theo Nghị định năm 2004, lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng/tháng.
Từ 1/7 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Tiếp tục tinh giản biên chế, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ. Tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung tiếp tục được thực hiện. “Cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Khái nói.
Chính phủ xác định đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng để đưa ra xét xử. Những vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố cũng sẽ sớm giải quyết.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh triển khai các dự án. Khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế được cam kết khắc phục, giải quyết dứt điểm.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc.
Theo ông Thanh, hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố về những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều hành, quản lý dẫn đến hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có thái độ né tránh trách nhiệm. Điều này khiến hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở trì trệ, gây khó khăn, ách tắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó, bên cạnh giải pháp quản lý, điều hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá các quy định pháp luật hiện hành để có giải pháp thống nhất, an toàn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
“Việc chấp hành kỷ luật ở một số cơ quan, địa phương chưa nghiêm; còn tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, pháp luật để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Hiện tượng người dân phải lót tay trong giải quyết công việc là thực trạng xảy ra nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời”, ông Thanh nói.
Đề nghị đánh giá toàn diện tình hình lao động, việc làm
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, số liệu về lao động, việc làm, thu nhập trong báo cáo của Chính phủ “mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp”.
Quý 1, toàn quốc có 149.000 lao động mất việc làm; số lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,5% cùng thời điểm năm trước. Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Nguy cơ mất việc của lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình lao động, việc làm quý 1 “có chuyển biến”, với tỷ lệ thất nghiệp 2,25%, giảm so với quý trước; tỷ lệ thiếu việc làm cũng giảm; thu nhập bình quân tháng của lao động tăng.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm; làm rõ mâu thuẫn trong nhận định so với số liệu thực tế và quá trình sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều doanh nghiệp gặp khó, dừng hoạt động sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực. Doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới vượt cả các nước phát triển, chưa tính đến khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm tăng thời gian, thủ tục, chi phí tuân thủ.
“Chính phủ cần đánh giá thêm vấn đề này để gỡ khó cho doanh nghiệp và vẫn đảm bảo phòng cháy, chữa cháy”, ông Thanh nói.
Vũ Tuân – Sơn Hà