Một trong những hợp đồng vũ khí lớn mà Hàn Quốc nhận được trong năm nay là thỏa thuận cung cấp cho Malaysia 18 chiếc FA-50 với tổng trị giá 920 triệu USD. Đây là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ đang thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo Business Insider, thương vụ này là kết quả của hơn nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng đã đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Ngành CNQP của Hàn Quốc được bắt đầu xây dựng vào năm 1968 dưới thời Tổng thống khi đó là Park Chung-hee để đáp ứng nhu cầu của đất nước. Chính quyền Hàn Quốc đã hỗ trợ sự phát triển của ngành này bằng các khoản trợ cấp và ưu đãi khác. Từ năm 1977, Hàn Quốc dần xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), đến năm 2016, Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 13 trên thế giới.
Khi các sản phẩm quốc phòng của Hàn Quốc tăng chất lượng, doanh số bán vũ khí của nước này cũng tăng theo. Theo báo cáo của SIPRI, Hàn Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trong số 4 nhà cung cấp vũ khí mới nổi lớn nhất thế giới, chiếm 1,5% tổng số thương vụ chuyển giao vũ khí toàn cầu từ năm 2010 đến 2019. Dữ liệu của SIPRI cũng ghi nhận Hàn Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới, chiếm 2,8% tổng số thương vụ chuyển giao vũ khí toàn cầu từ năm 2017 đến 2021.
So với giai đoạn 2012-2016, giá trị vũ khí mà Seoul xuất khẩu trong giai đoạn này đã tăng một cách “đáng kinh ngạc” (177%). Đây là mức tăng lớn hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất khác ở thời điểm đó. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Hàn Quốc lên tới khoảng 3 tỷ USD.
Con số này tăng lên 7,2 tỷ USD vào năm 2021 và tăng hơn gấp 2 lần, lên 17 tỷ USD vào năm 2022. Việc Hàn Quốc tăng hạng trong bảng xếp hạng xuất khẩu vũ khí toàn cầu phản ánh mong muốn của nước này về việc chuyển trọng tâm của ngành CNQP từ thị trường nội địa sang thị trường quốc tế.
Một lý do khiến Hàn Quốc gặt hái nhiều thành công là nước này bán những sản phẩm chất lượng với giá thấp hơn so với các nhà cung cấp vũ khí lớn khác trên thế giới. Tháng 1-2022, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận bán tên lửa đất đối không Cheongung II KM-SAM cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với tổng trị giá 3,5 tỷ USD.
Tháng 8 cùng năm, Ba Lan đã ký hợp đồng với tổng trị giá lên đến 5,8 tỷ USD để mua 180 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và 212 pháo tự hành K9 của Hàn Quốc. Đây là một phần của thỏa thuận lớn hơn trị giá hàng tỷ USD, trong đó Ba Lan sẽ mua 980 xe tăng K2, 648 pháo K9 và 48 máy bay chiến đấu FA-50.
Đến tháng 10, Ba Lan đã thực hiện một đơn đặt hàng khác với Hàn Quốc để mua 288 hệ thống pháo phản lực K239 Chunmoo. Quyết định này được Ba Lan đưa ra sau khi nhận thấy rằng, Mỹ không thể đáp ứng yêu cầu của nước này về việc cung cấp 500 hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS).
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc đã đánh bóng tên tuổi của họ với việc giao hàng nhanh chóng. UAE đã nhận được các tên lửa KM-SAM đầu tiên trong vòng một năm kể từ khi ký hợp đồng mua chúng. Trong khi đó, Ba Lan đã nhận được lô hàng, bao gồm 24 pháo K9 và 10 xe tăng K2 đầu tiên, vào tháng 12 năm ngoái.
Chính quyền Hàn Quốc đặc biệt chú trọng tới việc tăng thị phần của nước này trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tại cuộc họp với đại diện các công ty quốc phòng vào tháng 11-2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gọi ngành CNQP là “động lực tăng trưởng trong tương lai của đất nước và là xương sống của các ngành công nghệ tiên tiến khác”.
Theo ông Yoon Suk-yeol, cần phải cải thiện môi trường nghiên cứu và phát triển để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNQP đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng nói rằng, ông muốn đưa Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Pháp dựa trên dữ liệu của SIPRI cho đến năm 2021. Business Insider nhận định, để đạt được điều đó, Hàn Quốc sẽ phải khắc phục một số vấn đề, bao gồm tình trạng thiếu nhân lực và phụ thuộc vào các linh kiện nước ngoài.
LÂM ANH