Chị đã mấy lần khuyên mẹ thay bếp củi bằng bếp ga nhưng bà ngó lơ, vẻ khước từ. Mặc người ta xài bếp điện bếp ga từ lâu nhưng bà vẫn chung thủy với cái kiềng gắn liền rơm rạ trong gian bếp đầy khói và bồ hóng. Không gian toàn màu đen phủ chồng lên nhau, dày như có thể bóc ra từng mảng lại cuốn hút bà đến lạ.
Cành gãy, lá rụng được gom cả vào đây, thắp lửa cho bữa nay và nhiều ngày sau. Mít, xoài, vú sữa trong vườn vặn mình thay lá mỗi ngày khiến bà không ngơi tay quét dọn và ngọn lửa nhờ thế được “tiếp tế”, đỏ hồng. Củi được xếp từng chồng trong chái bếp, bên trên là những chiếc giỏ tre đựng lá khô nén chặt. Củi lửa không chỉ đun nấu đồ ăn thức uống hằng ngày mà còn dành cho ngày sau nào đó chưa xác định: “Cha mẹ nằm xuống, cũng phải có que củi đun ấm nước mời bà con”. Bà thường bảo thế.
Chị ở phố, mỗi lần về quê lại làm các món ngon cho cha mẹ, không tiếc công, càng không tiếc của nhưng ái ngại khi vào bếp. Chị thấy khó chịu ngay từ dáng đi đứng lom khom trong chái bếp đến kiểu ngồi bó gối lúc nấu nướng; lắm khi củi ướt, thổi phù phù đến hụt hơi, rơi nước mắt vì khói. Chụm rác thì tàn tro bay tứ tung, bám cả vô người. Lại nữa, sờ vào đâu cũng đụng lọ nghẹ, nấu xong bữa cơm, chị kỳ cọ đến đỏ tay vẫn chưa hết những vết đen đáng ghét. Nước trong ảng cách bếp một đoạn nên rửa đồ hay lấy nước lại phải đi ra đi vô đến mỏi giò. Cả bát đũa cũng dính than tro; không gian nhem nhuốc chị từng quen, nay bỗng thấy khó chịu.
Chị mua soong chảo sáng choang thay cho những cái đã sứt quai và đen sì cả trong lẫn ngoài. Con vừa quay lên phố, mẹ cọ rửa và cất đi, lại dùng những thứ cũ như thường khi. Cả tô chén mới con mua mẹ cũng cho vô tủ xếp cất cẩn thận, để dành những khi nhà có đám, thường ngày vẫn dùng chén đĩa sẫm màu cổ xưa. Gian bếp ám khói, chật chội đến bức bối với con nhưng vẻ như thỏa mái với mẹ, bà vẫn lui cui sáng tối, cả khi đứng lên ngồi xuống phải vịn tường.
“Sao phải khổ với củi lửa phập phù đến vậy”. Chị lẩn thẩn tự vấn, không dám nói vì sợ mẹ phật lòng, cho là con nhanh mất gốc. Chị khắc phục bằng cách làm sẵn thật nhiều thức ăn đem về quê nhằm giảm thiểu vô bếp. Tủ lạnh nhỏ, lại không để được lâu nên thức ngon thành của dở sau mấy ngày. Chị bối rối, tìm cách xoay xở chuyện củi lửa, khó nhất là để mẹ đồng tình đổi ý.
Chị võ đoán khi nghĩ, khoản đầu tiên – tiền đâu, là lý do khiến mẹ chần chừ giã từ cái kiềng chụm củi rác. Cả đời chắt bóp, lại gom góp tiền con cháu biếu nên mẹ không túng thiếu, năm nào cũng nhờ con gửi tiết kiệm. Có tiền nhưng tính tằn tiện như đã thành bất biến. Các con “hòa cùng một nhịp” không biết bao lần: “Thích gì cứ mua ăn, đừng tiếc, mẹ ạ”. Lời đáp khiến con ngơ ngác: “Cha mẹ quen như thế rồi”. Quen mâm cơm của người già lắm khi chỉ có mấy con cá kho quắt queo hay dưa cà qua bữa nhưng nuôi được mấy con vịt hay để dành chục trứng gà lại gửi cho “bọn trẻ” trên phố. Không dám ăn cái bánh bao hay đĩa bánh bèo mươi ngàn nhưng mỗi khi cháu về chơi lại dúi cho chúng tiền trăm, cố ép lấy bằng được. Chị nhiều lần ngăn: “Bọn nó có thiếu gì đâu, mẹ giữ mà tiêu”. Thấy tờ tiền được cuộn tròn trong bàn tay gầy, đưa ra kiên trì như nài nỉ, chị chuyển sang can người nhận: “Đừng, để bà mua cá, con”. Nghe cháu kêu “con không” rồi chạy đi, bà nhăn mặt: “Tau cho cháu, chớ phải cho bây đâu!?”.
Khuyên ba bận nhưng mẹ vẫn không chuyển từ rơm rạ sang bếp ga, chị mất dần kiên nhẫn, giọng có vẻ bực: “Mẹ đừng ngăn nữa, tuần sau con xin nghỉ phép mấy ngày, kêu thợ làm lại chái bếp và lắp bếp ga luôn”. Nhìn vẻ thờ ơ của mẹ, chị đưa lý do để thuyết phục: “Mẹ yếu rồi, lọ mọ với củi rác, lỡ ngã vô bếp lại khổ”. Tiếp đó, chị phác thảo ý tưởng cải tạo gian bếp, từ mở rộng mặt bằng đến đúc đanh đặt bếp, rồi ốp gạch men và mua giá úp chén bát, treo soong chảo, rổ rá. Không chờ con dừng lời, mẹ rụt rè hỏi ngang: “Nhưng vẫn để bếp củi lại chứ?”. Con phân vân nhưng có phần “thỏa hiệp”: “Chụm củi thì khói bụi nhưng mẹ ưng thế, cũng được”. Sau cùng, chị chốt lại điều tưởng mẹ sẽ vui: “Riêng chi phí, mẹ cứ để con”.
Cha đã qua giới hạn “lục thập nhi nhĩ thuận” từ lâu nên dễ tính trước ý định của con: “Sao cũng được”. Mẹ vẫn dửng dưng, vẻ như lừng khừng nhưng không tiện nói. Chị ngạc nhiên lẫn hẫng hụt: “Sao, mẹ?”. Mẹ nhìn mảnh vườn đầy lá rụng, giọng bâng khuâng: “Mẹ thích ngọn lửa từ củi rác hơn là thứ ánh sáng xanh lạnh của bếp ga”. Lửa cũng khác nhau sao? Sướng sao không muốn, lại ưng khổ? Lời mẹ khiến chị hoang mang nhưng không dám sỗ sàng vặn vẹo. Mẹ như hiểu con, dịu giọng xuôi chiều: “Thôi được, để đó mẹ tính”.
Nếu ông lão đánh cá trong chuyện đời xưa kinh ngạc khi thấy tệ xá của mình bỗng chốc được con cá vàng biến thành lâu đài lộng lẫy thì chị cũng có một chút tâm trạng tương tự khi nhìn gian bếp nhà mẹ trong lần về quê sau đó. Cứ tưởng mơ, chái bếp được cơi nới rộng ra để lấy chỗ đặt bếp ga, lại sáng choang gạch men từ dưới nền đến trên tường. Từ giá úp chén bát đến ống để đũa hay giá treo soong nồi đều bằng inox bóng loáng, cả những lọ đựng gia vị cũng bằng thủy tinh trong suốt. Cái kiềng chụm củi đen thui vẫn còn kia nhưng khép nép trong góc, tương phản với không gian sáng ngời bên cạnh. Nghe hỏi chi phí cho công trình con hằng mơ ước, mẹ cười: “Cũng chẳng tốn bao nhiêu”. Vẫn tươi cười nhưng giọng mẹ cương quyết khi con có lời xin được góp phần: “Cất đi, mẹ có tiền mà”.
Chị thêm một lần ngạc nhiên khi biết mẹ mua bếp ga cốt để chiều con. Bằng chứng là mỗi lần về quê, chị thấy gian bếp luôn được ủ ấm bởi củi rác, trong khi cái bếp ga bên cạnh như đồ thừa. Hóa ra, mẹ đâu tiếc tiền mua bếp mới, chỉ là thích ngọn lửa từ rơm rác. Chị lại nhận ra điều khác, từ chính lòng mình. Ấy là khi mẹ không còn tự lo cơm nước, các con trên phố thay nhau về chăm sóc hai cụ, đem theo thói quen dùng bếp ga, bếp từ.
Một ngày mưa, nhìn cái bếp chụm củi của mẹ, chị chợt nao lòng. Đã lâu không nấu nướng, cái kiềng sắt lạnh tanh, chơ vơ giữa đống tro bị gà bươi tung tóe. Chị bỗng nhớ bếp than hồng mỗi sáng mỗi chiều, nhớ đống trấu cháy ngún ngày đêm, ủ ấm gian bếp những ngày xa; lại nhớ khói ôm ấp mái tranh buổi chiều tà; nhớ củ khoai củ sắn vùi trong than hồng, vừa thổi vừa ăn, miệng dính đầy lọ nghẹ. Hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh tét, xuýt xoa hơ bàn tay lạnh cóng trên hơi than, chờ đón giao thừa từng đi vào nhạc họa thơ ca nhưng đã xa với chị, bỗng hiện về.
Chị chợt nhận ra, củi lửa giống như hàn thử biểu đo độ ấm áp trong mỗi mái nhà. Những nhà lâu lâu mới đỏ lửa, tỏa khói thì thường là nhà thờ hay vắng chủ; những nhà nấu nướng thất thường có khi đang gặp chuyện không vui. Ngược lại, đều đều ngày ba buổi, bếp lửa rần rật đỏ ngời, ấy là tín hiệu của sự ấm no viên mãn, sum họp thuận hòa.
Đến ngày xa kia, chắc không ít người trẻ chỉ biết cái bếp chụm củi rác – một hình ảnh thân thuộc của làng quê qua sách vở hay lời kể của người già. Dự cảm ấy khiến chị bâng khuâng, nuối tiếc.
Nhìn lá rụng khắp vườn, chị cầm chổi quét gom lại, đem vô bếp rồi bật lửa. Mẹ đang thiêm thiếp nơi nhà trên, bỗng nhổm dậy ngơ ngác: “Mùi củi rác đâu vậy?”. Con từ nhà dưới bước lên, tươi cười: “Con nhóm lửa đấy, mẹ ạ”.
Lửa từ bếp phả ra, sưởi ấm ngôi nhà.