Học ngoại ngữ, mở rộng ước mơ
Vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua, các thầy cô dạy tiếng Anh của Trường Marie Curie (Hà Nội) một lần nữa vượt hàng trăm km tới các điểm trường của huyện vùng cao Mèo Vạc, để gặp gỡ các học trò mà mình dạy gần 1 năm học vừa qua bằng hình thức trực tuyến.
Lần trở lại này không giống với lần đầu các cô lên thăm trò khi kết thúc học kỳ 1, vì các thầy cô còn thực hiện việc kiểm tra nói tiếng Anh 1 – 1 sau năm học đầu tiên các con được làm quen với môn học mới mẻ này. Đây là hình thức kiểm tra độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện ở nơi địa đầu Tổ quốc, khiến học trò vô cùng thích thú. Từng học sinh được trò chuyện, trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh với cô giáo trong vòng 5 phút.
Cô Minh Hồng, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường tiểu học Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc), cho hay khá bất ngờ và vui mừng khi kiểm tra bài thi nói cho học trò. “So với thời gian đầu, lần này các con đã gỡ bỏ sự nhút nhát, rụt rè để giao tiếp chủ động với cô. Từ việc chưa phát âm được các từ mới, giờ các con đã có thể nhận biết các từ, nhắc lại cả câu và hiểu các câu ngắn trong giao tiếp. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy sự tiến bộ của các con”, cô Hồng nói.
Sự tự tin, háo hức hiển hiện ngay trên gương mặt của các học trò Mèo Vạc khi gặp lại cô giáo tiếng Anh của mình. Được học thêm một ngôn ngữ mới, những cánh cửa mới dường như cũng mở ra trong suy nghĩ, trong ước mơ về tương lai của các em. Tự tin vì được học tiếng Anh, có bạn muốn làm hướng dẫn viên du lịch để thu hút nhiều khách “tây” đến với quê hương; có bạn mong sau này lớn lên trở thành giáo viên tiếng Anh dạy ở Sơn Vĩ, vì hiện nay cả xã không có giáo viên nào dạy học môn học này.
Hải Đăng, một học sinh lớp 3A1 của Trường tiểu học Sơn Vĩ, còn ước sẽ được đặt chân tới Mỹ, đất nước xuất hiện trong cuốn sách và những câu chuyện, hình ảnh mà cô Hồng đã giới thiệu.
“Nỗi lo biến thành niềm vui bất tận”
Cô Lệ Nhung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cán Chu Phìn (H.Mèo Vạc), chia sẻ: “Đầu năm học, lần đầu các học sinh lớp 3 làm quen với lớp học ảo, môn học mới, ngoại ngữ mới nên có nhiều bỡ ngỡ. Lúc đó, các con dùng tiếng phổ thông còn ngọng nên khi cô hỏi tiếng Anh, các con rụt rè không biết trả lời.
Sau 9 tháng học, các con đã mạnh dạn, chủ động hơn và rất hứng thú với giờ học tiếng Anh. Mặc dù còn trẻ nhưng cô đã không nản trước khó khăn ở những buổi đầu. Điều đó là động viên lớn đối với thầy trò chúng tôi ở nơi xa xôi này”.
Theo ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc, từ trước đến nay, các học sinh sẽ làm bài thi trên giấy, thầy cô sẽ chấm theo khung đáp án có sẵn. Tuy nhiên, các thầy cô của Trường Marie Curie đã thực hiện kiểm tra kỹ năng nói 1 – 1, đồng nghĩa với việc cô kiểm tra từng trò. Hình thức này mang lại hiệu quả cao trong đánh giá khả năng, kết quả học tập sau 1 năm học của từng học sinh; mở ra sự tự tin khi giao tiếp tiếng Anh cho học trò. Chính sự nhiệt tình, kiên trì của các thầy cô ở Hà Nội đã xua đi sự nhút nhát, e dè ban đầu của học sinh dân tộc, giúp các em chờ đợi và hào hứng với từng giờ học.
Nhờ được học tiếng Anh bài bản như vậy nên năm học này, có 4 học sinh tiểu học TT.Mèo Vạc (H.Mèo Vạc) đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh của tỉnh. Đó là điều mà trước nay thầy trò nơi này chưa dám nghĩ đến. Sở GD-ĐT Hà Giang cũng quyết định trao bằng khen cho 24 thầy cô giáo của Trường Marie Curie vì sự hỗ trợ đặc biệt, có một không hai này.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, không giấu được sự xúc động khi nhận được kết quả bước đầu của dự án. “Khi nhận được lời đề nghị của thầy Bùi Văn Thư về việc giúp đỡ dạy tiếng Anh, tôi rất lo lắng. Nhưng sau 1 năm triển khai, nỗi lo ấy được thay thế bằng niềm vui bất tận”, thầy Khang xúc động nói.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết về việc thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học trầm trọng trên cả nước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng tình trạng này ở H.Mèo Vạc lại là điển hình của sự trầm trọng ấy. Cả huyện gần 20 trường tiểu học nhưng chỉ có 1 cô giáo tiếng Anh, một mình cô dạy cho 1 trường đã quá tải, chưa nói tới việc hỗ trợ cho trường bạn.
Trước tình thế này, ông Nguyễn Xuân Khang đã quyết định “cứu nguy” cho H.Mèo Vạc bằng cách tuyển và trả lương hợp đồng 21 giáo viên tiếng Anh chỉ để tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh lớp 3 của 18 trường tiểu học của cả H.Mèo Vạc. Với 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ dạy trực tuyến cho tất cả các trường ở H.Mèo Vạc là 7.980 tiết/năm học. Tổng kinh phí để giúp dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của H.Mèo Vạc là khoảng 1,7 tỉ đồng cho riêng năm học 2022 – 2023.
“Tiếp tục dạy lứa học sinh này ít nhất 1 năm nữa”
Không dừng lại ở 1 năm, ông Nguyễn Xuân Khang còn ngỏ lời đề nghị lãnh đạo H.Mèo Vạc có thể tạo điều kiện cho Trường Marie Curie “tiếp tục dạy lứa học sinh này ít nhất 1 năm nữa”. Theo Trưởng phòng GĐ-ĐT H.Mèo Vạc Bùi Văn Thư, lời đề nghị của ông Khang tiếp tục là một sự hỗ trợ vô cùng quý giá. Mèo Vạc hiện có 76 lớp 3 của toàn huyện ở các điểm trường chính, sang năm sẽ có 122 lớp 2 lên lớp 3 và cũng sẽ phải về các điểm trường chính để học tiếng Anh, tin học. Theo tính toán, 122 lớp này sẽ phải dồn lại thành khoảng hơn 70 lớp 3. Như vậy, sang năm sẽ có khoảng gần 160 lớp 3 và lớp 4 phải học tiếng Anh. Nhu cầu về giáo viên, về cơ sở vật chất sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, trong khi việc tuyển giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc vẫn còn nguyên những khó khăn của năm học trước.